Thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch – dịch vụ bền vững giai đoạn 2022 – 2025, đến nay, tỉnh bố trí hơn 261,9 tỷ đồng triển khai 13 dự án đầu tư cải tạo, xây mới hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 6 dự án đã hoàn thành, 2 dự án đang triển khai, 5 dự án đang trong giai đoạn khảo sát đầu tư.
Các dự án đã hoàn thành, gồm: Dự án hàng rào biên giới khuôn viên Khu du lịch thác Bản Giốc; Dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình) và đồn Đồng Mu (Bảo Lạc); Dự án đường đi bộ vào động Dơi, xã Đồng Loan (Hạ Lang); Dự án đầu tư xây dựng mô hình chụp ảnh (checkin), giới thiệu các giá trị điểm di sản địa chất trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phục vụ khách du lịch; Dự án Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tuyến du lịch thứ 4 thuộc Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở có quy mô lớn trên địa bàn Thành phố nhằm phục vụ các hoạt động dịch vụ, du lịch, như: Dự án phố đi bộ ven sông Bằng, Dự án khách sạn Mường Thanh…
Vận động, kêu gọi thu hút một số nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng phục vụ du khách tại điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc); điểm checkin đỉnh cao Phja Oắc và điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình); một số điểm checkin trên 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng… Hoàn thành và đưa vào sử dụng ứng dụng Cổng du lịch thông minh tỉnh với nhiều tiện ích; thử nghiệm số hóa VR360 (du lịch ảo hóa và thuyết minh ảo) đối với 5 khu, điểm du lịch của tỉnh.
Đến nay, lượng khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh đạt khoảng 3 triệu lượt khách/năm, trong đó, khách quốc tế đạt trên 32.000 lượt người; thu nhập xã hội từ du lịch đến tháng 6/2023 ước đạt trên 1.412 tỷ đồng.
K.X