Theo Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), đơn vị này vừa tạm ứng 945 triệu đồng bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc xe ô tô đối với hành khách trên xe trong vụ sạt lở tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng hôm 9-9, làm sạt lở ta luy dương khiến một ô tô khách, 2 ô tô con và một số xe máy bị vùi lấp và cuốn trôi.
Ngay khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, xác định chủ xe khách là khách hàng tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới tại BIC, BIC đã nhanh chóng phối hợp với khách hàng và các bên liên quan để thu thập thông tin, hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn.
BIC đã thực hiện tạm ứng bồi thường về trách nhiệm dân sự đối với hành khách trên xe trong vụ tai nạn trên với mức tạm ứng cao nhất bằng 30% mức bồi thường bảo hiểm quy định. BIC cũng phối hợp với chủ xe để trao số tiền tạm ứng cho gia đình các nạn nhân của vụ sạt lở.
BIC đang tiếp tục làm việc với chủ xe và cơ quan chức năng, xác định chính xác số lượng nạn nhân để chi trả tạm ứng cũng như bồi thường. Trường hợp nạn nhân không phải là hành khách trên chuyến xe khách, BIC sẽ phối hợp với chủ xe và gia đình nạn nhân làm việc với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để được hỗ trợ kịp thời từ quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Xuân Việt cho biết tính đến thời điểm này, theo thông tin hiệp hội nắm được, các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận hơn 9.000 vụ tổn thất có yêu cầu bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm tài sản (nhà máy công nghiệp, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, hàng hóa), bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm nhân thọ. Tổng số tiền chi trả thiệt hại ước tính khoảng 7.000 tỉ đồng.
Theo ông Việt, trong quá trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, nếu có vướng mắc phát sinh, doanh nghiệp có thể phản ánh để hiệp hội tổng hợp, báo cáo và xin ý kiến từ các cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ kịp thời. Hiệp hội bám sát diễn biến, nhanh chóng có công văn gửi doanh nghiệp bảo hiểm, kịp thời tạm ứng giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Theo Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, cục đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã huy động nhân lực đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường.