Xác định đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh chỉ đạo các đội trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Trần Mạnh Hùng cho biết: Để góp phần đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp trước, trong và sau tết, Cục ban hành Kế hoạch số 1051/KH-QLTTCB ngày 24/10/2024 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Mục đích của kế hoạch là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Địa bàn trọng điểm là khu vực các cửa khẩu, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Trong nội địa địa bàn trọng điểm là các siêu thị, các tuyến phố buôn bán, các chợ dân sinh, chợ phiên, các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… Các mặt hàng trọng điểm: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, thực phẩm, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, nguyên liệu thuốc lá, pháo các loại… Nhóm hành vi vi phạm chú trọng: kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kinh doanh có điều kiện, an toàn thực phẩm,…
Để thực hiện tốt kế hoạch cao điểm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Cục QLTT tỉnh tăng cường quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại; đặc biệt, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường Online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội: Facebook, Zalo, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành thường xuyên rà soát, kiểm tra trên khâu lưu thông, nhất là hàng hóa, gia súc, gia cầm nhập lậu từ khu vực biên giới vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ; các điểm kinh doanh, kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất…
Thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh nên mạng lưới thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Thị trường hàng hóa dịp cuối năm diễn ra rất sôi động. Đội QLTT số 1 chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng kiểm tra các cửa hàng, siêu thị, các đơn vị kinh doanh thực phẩm đông lạnh, cơ sở kinh doanh thực phẩm; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Kết hợp với công tác kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp để nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm của người kinh doanh và người tiêu dùng.
Chị Đỗ Ngọc Diệp, chủ cửa hàng tạp hóa tại Chợ Xanh (Thành phố) cho biết: Gần Tết Nguyên đán, cửa hàng tôi nhập rất nhiều loại đặc sản của Cao Bằng để phục vụ nhu cầu của người dân. Qua công tác tuyên truyền của các cấp, ngành, lực lượng QLTT, để tạo uy tín với khách hàng, cửa hàng tôi cam kết nhập những sản phẩm có uy tín, chất lượng của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh.
Ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm từ phía các lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của chính người tiêu dùng và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hàng hóa tiêu thụ trên thị trường tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng hãy là “những người tiêu dùng thông thái”, khi mua sắm cần lựa chọn các địa điểm mua sắm uy tín, ưu tiên các cửa hàng, siêu thị, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn bán hàng đầy đủ. Kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua, lựa chọn tiêu thụ các sản phẩm ghi nhãn hàng hóa đầy đủ, còn thời hạn sử dụng. Không mua hàng hóa quảng cáo trên các trang mạng xã hội, trên các kênh mua sắm trực tuyến khi chưa có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa… Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa vi phạm, người tiêu dùng thông tin ngay theo số điện thoại đường dây nóng của Cục trưởng, đội trưởng các Đội QLTT trực thuộc để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
11 tháng năm 2024, Cục QLTT kiểm tra 674 lượt cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn; phát hiện, xử lý 259 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2,5 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 358 triệu đồng. Tổng số tiền thu được từ bán thanh lý hàng hóa tịch thu nộp ngân sách Nhà nước trên 711 triệu đồng.
|
Hoàng Phúc
Nguồn: https://baocaobang.vn/no-luc-kiem-tra-kiem-soat-thi-truong-dip-tet-3174327.html