Sáng 8/11, đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh chủ trì cuộc họp bàn phương án đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
Tham dự có thành viên Hội đồng tư vấn, Tổ thư ký Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; một số nhà nghiên cứu lịch sử địa phương; lãnh đạo UBND, Phòng Văn hóa – Thông tin 2 huyện: Quảng Hòa, Hạ Lang và Thành phố.
Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Ngày 31/1/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Để kịp thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh, Sở VH-TT&DL ban hành Công văn số 678/SVHTTDL-QLVHGĐ về việc xây dựng Đề án đặt tên đường, phố và công trình công cộng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh gửi UBND các huyện, Thành phố.
Trong tháng 10/2024, Sở VHTT&DL nhận được hồ sơ Đề án đặt tên đường, phố và công trình công cộng của 3 đơn vị: Quảng Hòa, Thành phố, Hạ Lang. Các huyện: Trùng Khánh, Bảo Lạc, Thạch An, Nguyên Bình có nhu cầu xây dựng Đề án đặt tên đường, phố và công trình công cộng nhưng chưa hoàn thiện Đề án theo quy trình. Huyện Hòa An do còn điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung thị trấn Nước Hai nên chưa xây dựng Đề án. Huyện Hà Quảng, Bảo Lâm sau khi khảo sát, các tuyến đường chưa đủ điều kiện để xây dựng Đề án theo quy định.
Theo hồ sơ của 2 huyện: Quảng Hòa, Hạ Lang và Thành phố, có tổng số 24 tuyến đường, trong đó có 12 đường tỉnh, 12 đường đô thị và 4 công trình công cộng. Cụ thể: Thành phố đặt tên 14 tuyến đường (2 đường tỉnh, 12 đường đô thị); 2 công trình công cộng (1 quảng trường Trung tâm Hội nghị, 1 vườn hoa đối diện tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh). Huyện Quảng Hòa đặt tên 3 tuyến đường (đường tỉnh); 2 công trình công cộng (2 cầu). Huyện Hạ Lang đặt tên 7 tuyến đường tỉnh.
Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí theo đề xuất của các huyện, Thành phố; thảo luận, góp ý về sự phù hợp của tên dự kiến đặt của một số tuyến đường, phố, như: tên theo tiếng địa phương, tên danh nhân, tên theo sự kiện, dấu mốc lịch sử, tên các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; làm rõ một số thông tin chưa thống nhất về các nhân vật lịch sử; phương án đặt tên một số công trình công cộng phù hợp hơn; sự phù hợp với quy hoạch, thiết kế đảm bảo đúng quy chế đặt tên của một số tuyến đường.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy nhấn mạnh: Việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng mang tính lâu dài, thể hiện dấu ấn lịch sử, do đó. cần tham khảo sâu rộng ý kiến, trong đó có ý kiến của nhân dân và nguyên lãnh đạo tỉnh. Đề nghị, đối với 24 tuyến đường và 4 công trình công cộng, Sở VH-TT&DL phối hợp các huyện, Thành phố rà soát lại thông tin nhân vật, sự kiện lịch sử, cung cấp đầy đủ thông tin để phục vụ xin ý kiến.
Về vướng mắc khái niệm “đường”, “phố”, cần làm rõ, sửa đổi câu từ trong quy chế. Về quảng trường Trung tâm Hội nghị tỉnh, nhất trí đề xuất đặt tên là “Quảng trường 28/1” do ngày 28/1/1941 là sự kiện đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, liên quan mật thiết với tỉnh Cao Bằng.
Đối với đề xuất đặt tên “Khuổi Nặm” cho tuyến đường phía trước trụ sở Tỉnh ủy, do đây là tiếng địa phương dễ gây nhầm lẫn cho người ngoại tỉnh, nên thống nhất dùng tên “đường 28/1”. Về đề xuất đặt tên “Vườn hoa Hồ Chí Minh” cho vườn hoa đối diện Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Thành phố), cần nghiên cứu lại cho phù hợp tên gọi “công viên” hay “vườn hoa”. Đối với những tuyến đường, địa điểm quan trọng trên địa bàn Thành phố, cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ và tham mưu UBND tỉnh để xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.
Xuân Thương
Nguồn: https://baocaobang.vn/hop-ban-phuong-an-dat-ten-duong-pho-va-cong-trinh-cong-cong-tren-dia-ban-tinh-3173426.html