Cao Bằng là tỉnh biên giới Đông Bắc, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và di tích lịch sử văn hóa giá trị, nơi đây có hơn 95% dân số là người dân tộc thiểu số cùng chung sống như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng. Trong đó, nổi bật là hát lượn – một làn điệu dân ca giao duyên của người Tày.
Các làn điệu của người Tày rất phong phú, nó phản ánh tâm tư tinh cảm về lối sống sinh hoạt của tộc người. Riêng lượn có nhiều làn điệu nhưng trong đó, lượn phong slư là một loại hình dân ca đặc sác từ thể thức cho đến giai điệu, lời ca.
Phong slư là bức thư tình được viết theo thể thất ngôn trường thiên bằng tiếng Tày và đôi câu Hán tự, Hán Nôm lẫn với Nôm Tày, nội dung bày tỏ tình yêu của nam, nữ viết cho nhau trên mảnh lụa mỏng. Khi nhận được những bức thư ấy, người ta “hát” lên bằng một làn điệu gọi là làn điệu Phong slư. Những bức thư tình ấy là nỗi niềm suy tư thầm kín, sâu lắng từ đáy lòng của các chàng trai, cô gái mới quen hay đã và đang bén duyên nhau hoặc là tơ duyên trắc trở. Tình yêu của họ dạt dào như nước suối nguồn, ngày đêm thương nhớ nhưng ít có điều kiện được ở gần nhau để lượn hát tâm tình, vì thế, Phong slư là phương tiện chuyển tải nội dung tình yêu lứa đôi để giải tỏa nỗi nhớ mong da diết, qua thư nói lên tâm tư của mình với bạn, nhận được Phong slư như đã được gặp bạn, nhớ bạn và chờ thư hồi âm đến nao lòng.
Cách gieo vần của thể thơ này là chữ thứ 7 dòng trên gieo vần với chữ thứ 5 dòng dưới. Các nghệ nhân khi ngâm thể thơ này thường nhấn ru vào chữ thứ 5 và chữ thứ 7, tạo nên sự ngọt ngào độc đáo vô cùng, người nghe cảm nhận được sự ngọt ngào, mê đắm trong từng con chữ. Với tâm trạng đó nên nội dung thư và kể cả khi ngâm nga thành điệu hát Phong slư, người nghe cảm nhận ngay được nỗi niềm day dứt, khao khát hướng về nhau để trải lòng, giãi bày, tâm tình với bạn. Giai điệu ngọt ngào, man mác, lúc trầm, khi bổng vút lên ý nhị, hàm chứa đầy tương tư. Tiếng sáo réo rắt đệm theo càng làm tăng sự ngọt ngào của làn điệu. Thông thường thì phần mở đầu dường như theo một khuôn mẫu có sẵn. Một năm có bốn mùa, thư viết thời điểm nào thì câu mở đầu liên quan nhắc tới mùa đó. Ví dụ: “Lẹo Chiêng rà lồng chả mảu xuân/Dằng dử cần nông dân tối mấư”, tạm dịch: “Tết mãn ta gieo mạ vụ xuân/Vậy mới đúng nông dân đổi mới”.
Thời xa xưa, hầu hết các bức thư tình hay mô tả về hoàn cảnh, nỗi niềm, giãi bày tâm trạng của mình với bạn tình, có khi dài tới hàng trăm câu. Thư được trình bày tỉ mỉ, công phu trên giấy bản hoặc viết hay thêu trên vải lụa có trang trí họa tiết độc đáo, khéo léo và công phu với hình ảnh rồng, phượng, én, nhạn sinh động. Trang thư đầu hay cuối đều có câu “vàn én” nghĩa là nhờ én chuyển thư đến người thương. Một Phong slư đúng kiểu mẫu thường có một bài thơ ở cuối trang thư. Mặt khác, người ta vận dụng hình thức và giai điệu Phong slư để ghi chép truyện rất hiệu quả, làm cho ai cũng dễ thuộc, dễ nhớ lâu vì tuy là trường thi nhưng có vần điệu gắn kết giữa các câu liền kề. Tác giả của những bức thư tình này không chỉ một mình sáng tác mà thường là tác phẩm tập thể vài ba người, thậm chí phải nhờ đến các nghệ nhân bậc thầy viết giúp. Bởi vậy, Phong slư nào cũng hàm chứa tình cảm mặn nồng, nhiệt tâm cháy bỏng, nghệ thuật chữ nghĩa khá sắc sảo. Ví dụ: “Cầm thơ viết cảng nắc, cảng na/Noọng càng chứ Trường Sa pế, hải”, tạm dịch: “Lời thơ viết sắc sảo, sâu sa/Nhắc em nhớ Trường Sa biển, đảo”.
Ngày nay, những lời ru theo đi Phong slư vẫn được các thế hệ bảo tồn, lưu giữ. Những lời thơ mới ca ngợi quê hương, đất nước được đặt trên nền thơ cổ để mọi người ngâm nga cho cuộc sống thêm đậm đà, phong phú. Phong slư có thể hát đơn, hát đôi hay hát tốp. Trong số vô vàn các bài thơ được tác giả Đàm Nha sáng tác có một bài thơ về mùa xuân theo làn điệu Phong slư ca ngợi quê hương Cao Bằng mỗi độ Tết đến, xuân về với tựa đề Mùa xuân non nước: “Cứ mỗi độ đông đến, xuân qua/Chắp cánh én gần xa non nước/Mang theo lời hẹn ước ân tình/Mùa xuân đến quê mình, bạn ới /Xuân quê hương phấn khởi muôn người/ Đào, lê, mận khắp nơi đua nở /Tô thắm thêm rực rỡ bản làng/Tạo nên cảnh khang trang phường, phố/Quê hương em mỗi độ xuân về/ Lời then tính đam mê nhớ mãi/Điệu Phong slư mềm mại ân tình/Bóng áo chàm đẹp xinh duyên dáng/Nâng rượu mời đón bạn lên thăm/Miền non nước Cao Bằng lịch sử/Đã một thời rực rỡ vẻ vang/Giờ đây đang trên đàng đổi mới Xây quê hương tiến tới vinh hoa/Miền biên giới sơn hà rực rỡ/Mùa xuân nơi xứ sở hiền hòa/Luôn là bản tình ca đằm thắm”.
Bài thơ có 20 câu, chia làm 5 khổ thơ. Tác giả mở bài với chủ đề mùa xuân ở khổ thơ thứ nhất. Khổ thơ thứ 2, 3, 4 tả phong cảnh quê hương với hình ảnh mùa xuân có hoa đào, lê, mận đang nở trên triền núi, có các làn điệu dân ca đằm thắm, có cả bóng áo chàm duyên dáng, đặc trưng của trang phục người Tày, sự hiếu khách chân tình và có cả quá khứ lịch sử hào hùng của vùng đất biên cương. Và kết thúc bài thơ với tương lai của một miền biên viễn đang khởi sắc để tiến tới vinh hoa. Bài thơ được các nghệ nhân Phong slư thể hiện rất thành công trong các dịp lễ, Tết, hát giao duyên, giao lưu giữa các đội văn nghệ cùng với tiếng sáo réo rắt mê đắm lòng người của nghệ nhân sáo Ngọc Lọng.
Phong slư có thể được sáng tác bằng tiếng Tày hoặc Việt và đều được ngâm diễn với tiếng sáo trúc làm cho lời thơ càng ngọt ngào, đằm thắm. Ngày nay, Phong slư vẫn được các thế hệ bảo tồn, lưu giữ với những lời thơ mới được đặt trên nền thơ cổ để cho mọi người ngâm nga cho cuộc sống thêm vui vẻ, ý nghĩa. Qua đó, những nét đẹp của làn điệu Phong slư sẽ mãi trường tồn trong nét đẹp văn hóa của người Tày.
Nông Hứa Ngân
Nguồn: https://baocaobang.vn/hat-luon-phong-slu-lan-dieu-dan-ca-cua-nguoi-tay-3172401.html