Mong sớm có vốn để khôi phục sản xuất
Bão số 3 đã đi qua hơn chục ngày nhưng đến giờ vợ chồng anh Đào Trường và chị Đoàn Thu Trà ở Thường Tín (Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng, khiếp sợ. “Chưa năm nào chúng tôi chứng kiến trận bão khủng khiếp như vậy. Chỉ sau một đêm, toàn bộ nhà kính, vườn rau, hoa của gia đình và bà con đã bị tàn phá tan hoang hết. Trong đó, nhà kính mới được xây dựng bằng các khung thép rất kiến cố cũng bị gió bão thổi bay, đổ sập hết cả”, anh Trường buồn rầu kể lại.
Từ khi bị thiên tai đến nay đã nhiều ngày, hai vợ chồng anh vẫn không ngủ được. Mỗi khi trời tối, ký ức kinh hoàng của cơn bão lại ùa về, vợ anh lại ôm mặt khóc khiến tâm trạng anh càng rối bời, lo lắng hơn.
“Sau bao nhiêu năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” sớm, tối mần mò thử nghiệm, làm ăn, tích góp mới được ít tiền đầu tư đưa công nghệ mới vào sản xuất tiêu tốn hàng tỷ đồng, đến giờ mọi thứ chỉ còn lại đống đổ nát, hoang tàn. Chúng tôi chưa biết khởi đầu làm lại như thế nào”, anh Trường bộc bạch.
Thê thảm hơn, khu trang trại trên Cao Bằng, nơi anh chị đặt nhiều kỳ vọng sẽ cứu cánh cho trang trại dưới Thủ đô nhưng sau bão, ảnh hưởng của hoàn lưu lại gây mưa lớn khiến toàn bộ trang trại ở đây bị ngập lụt, thiệt hại nặng.
Dù khu nhà lưới đã bị bão tàn phá tan hoang nhưng vợ chồng bà Đoàn Thị Dội ở xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo (TP.Hải Phòng) vẫn chưa dọn dẹp. Hôm chúng tôi đến thăm vườn, vợ chồng bà vẫn đón tiếp dẫn đi quanh vườn nhưng trên khuôn mặt chủ nhà vẫn rất buồn, đau xót.
“Mọi thứ đều tan hoang hết, chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Giờ muốn thu dọn trại để sản xuất lại cũng không còn tiền để làm nữa, chúng tôi đau xót như “đứt từng khúc ruột”, bà Dội ngậm ngùi chia sẻ.
Bà Dội cho biết, sau nhiều năm làm ăn tích góp được tiền, hai vợ chồng bà quyết đầu tư làm nhà kính để trồng dưa lưới công nghệ cao hướng đến làm du lịch sinh thái nhưng nay mọi thứ đành bỏ dở.
“Người nông dân chúng tôi làm nông nghiệp khổ quá, muốn làm lớn nhưng khi thất bại thì “trắng tay”, bà Dội bộc bạch.
Bà Dội cho biết thêm, sau thiên tai, gia đình bà cũng nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp kêu gọi giải cứu giúp nhiều tấn dưa lưới non. Tuy nhiên, để khôi phục lại sản xuất, gia đình bà rất mong được nhà nước và các ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi.
“Sau bão mọi người đều thiệt hại rất nặng, nếu nhà nước và các ngân hàng không có chính sách, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi kịp thời, nông dân chúng tôi sẽ không thể phục hồi được sản xuất”, bà Dội nói và cho rằng: Thiên tai không ai mong muốn, người dân cũng không sợ khổ cực, thất bại nhưng điều quan trọng nhất là mọi người mong được hỗ trợ, tiếp sức kịp thời để vượt qua khó khăn.
Xã nông thôn mới ngổn ngang, tan hoang sau thiên tai
Những ngày sau bão số 3, theo đoàn công tác của Bộ NNPTNT đi kiểm tra thiệt hại tại thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành, huyện Quang Bình (Hà Giang), chứng kiến nhiều nhà cửa, hoa màu, tài sản của bà con ở đây bị lũ quét tàn phá nặng nề khiến mọi người rất đau xót.
Từng là “điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới của Quang Bình nhưng sau trận lũ quét lịch sử, nhiều cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đường giao thông… tại xã Yên Thành đã bị tàn phá nặng nề. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho biết, xã về đích nông thôn mới từ năm 2021 nhưng sau thiên tai, nhiều tiêu chí như đường giao thông, điện, nhà, thu nhập… có nguy cơ lại bị tuột mất. Thê thảm nhất là tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương lại tăng lên.
Dẫn đoàn công tác của Bộ NNPTNT vào khu vực vừa xảy ra lũ quét, sạt lở đất của thôn mình, ông Phàn Văn Canh, Trưởng thôn Đồng Tâm cho biết, khi có thông tin bão số 3 đổ bộ vào, địa phương đã thông báo để bà con đề phòng lũ quét sạt lở đất. Nhưng đến đêm ngày 8 đến 9/9, mưa lớn kéo đến và hoành hành liên tục nhiều giờ, khi trên núi cao xuất hiện tiếng nổ lớn, nhiều người dân trong thôn bỏ chạy tán loạn.
“Khi đó ai cũng khiếp sợ, bỏ của chạy lấy người. Hôm sau trời tạnh, mọi người quay lại thấy mọi thứ đều đã bị san phẳng”, ông Canh nói và cho biết, tính đến nay, toàn thôn có 86 hộ thì 37 hộ bị ảnh hưởng, 7 hộ bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa, chuồng trại, tài sản…
“Từ khi gặp thiên tai đến nay, được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền và cộng đồng, nhiều người dân bị mất nhà cửa đã được di dời đến nơi ở tạm an toàn, bà con được hỗ trợ nhu yếu phẩm đầy đủ”, ông Canh thông tin thêm.
Theo ông Canh, hiện tại người dân vẫn được hỗ trợ đầy đủ mọi thứ nhưng điều bà con mong muốn lúc này là xây lại nhà mới tại khu vực an toàn để ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
“Sau trận lũ quét, sạt lở đất lịch sử, đến giờ bà con trong thôn đều khiếp sợ không dám quay trở lại nơi cũ sinh sống nên chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sớm tìm khu vực mới và xây dựng nhà mới và hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để bà con yên tâm khôi phục lại cuộc sống ổn định lâu dài”, Trưởng thôn Đồng Tâm kiến nghị.
Tại Yên Bái, ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cũng đang rất lo lắng khi nói về thiệt hại cơ sở hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm… sau thiên tai. “Mọi thứ đều ngổn ngang, tan hoang, đổ nát hết sau bão lũ. Do thiệt hại quá lớn nên tỉnh đang lên phương án hoãn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu để dồn nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả và củng cố lại, xây dựng lại các tiêu chí nông thôn mới tại các xã, huyện”, ông Phước bộc bạch.
Cần điều chỉnh mức hỗ trợ sau thiên tai hợp lý hơn
Trong các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo các tỉnh gửi tới đoàn công tác của Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho hay: Tính đến nay, toàn huyện có 300 hộ dân bị ảnh hưởng nặng sau mưa lũ, trong đó có 53 hộ dân bị mất nhà cửa; trên 974ha lúa, gần 500ha ngô cùng 1.500 con lợn, 9.000 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi… Huyện ước tính sơ bộ bị thiệt hại lên đến khoảng gần 100 tỷ đồng.
Ông Dũng cho biết thêm, trước, trong và sau mưa lũ, các cấp chính quyền địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ, di dời người dân vừa phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đến nay, hệ thống điện, thông tin liên lạc đã thông suốt, tuy nhiên, toàn xã còn 140 hộ dân nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cần di dời khẩn cấp, nhiều hộ dân gặp khó khăn…
“Chúng tôi rất mong Chính phủ và Bộ NNPTNT cùng các bộ ngành liên quan sớm hỗ trợ phương án quy hoạch để di dời các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, địa phương rất mong được hỗ trợ lương thực thực phẩm cho bà con trên địa bàn ít nhất khoảng 4 tháng và hỗ trợ cây, con giống để bà con làm vụ đông sớm để có sản phẩm tại chỗ nuôi sống gia đình, ổn định lại cuộc sống, sinh hoạt sau thiên tai”, ông Dũng đề nghị.
Phản ánh với các thành viên của đoàn công tác Bộ NNPTNT, lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái… cho biết, sau thiên tai chúng ta mới thấy nhiều chính sách hỗ trợ dành cho bà con còn rất thấp, một số chính sách không còn phù hợp với thực tiễn cần phải chỉnh sửa, bổ sung ngay.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước nêu thực tế, hiện nay, định mức hỗ trợ theo Nghị định 02 (Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh) rất thấp và không còn phù hợp với thực tế.
Đơn cử như hỗ trợ 2 triệu đồng/ha lúa thuần, trong khi người dân bị thiệt hại lên đến 30-40 triệu đồng và thủ tục hành chính lại quá rườm rà.
“Chúng tôi rất mong, Bộ NNPTNT đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan sửa lại nghị định trên cho phù hợp với điều kiện thực tế, tạo động lực cho người dân yên tâm khôi phục lại sản xuất sau thiên tai. Trước mắt, trong khi chờ sửa nghị định, chúng tôi rất mong Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương huy động, sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ người dân vừa bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất hiệu quả”, lãnh đạo tỉnh Yên Bái kiến nghị.