Chiều tối 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Dự tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, 6 tháng đầu năm, công tác NGKT được triển khai bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế – xã hội. Trong 36 hoạt động đối ngoại Cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hoá thành các cam kết, dự án cụ thể trong mọi hoạt động đối ngoại Cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.
Rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam. Nghiên cứu, thúc đẩy và tăng tốc đàm phán nâng cấp nhiều FTA đã có hiệu lực một thời gian dài. Chủ động, tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương quan trọng như Tiểu vùng Mekong, ASEAN, APEC, WTO, Liên Hợp quốc, G20, OECD, WEF, P4G nhằm tận dụng nguồn lực phục vụ phát triển.
Tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi. Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức nhiều đoàn quảng bá cả ở trong và ngoài nước, hỗ trợ các tỉnh thành ký kết hơn 20 Bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế. Hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp Việt vươn ra nước ngoài, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế, ứng phó với nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào nông sản Việt tại các thị trường trọng điểm.
6 tháng cuối năm, công tác NGKT tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự, tiếp tục lấy đây là bệ phóng cho NGKT. Đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, huy động các nguồn lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Tăng cường đa dạng hoá thị trường, đối tác và chuỗi cung ứng. Hỗ trợ nâng cao năng lực và nhận thức của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy liên kết sâu hơn giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm.
Tại hội nghị, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ tình hình thị trường và xuất khẩu một số ngành hàng; kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy NGKT đạt hiệu quả thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Trước những khó khăn nhiều hơn thời cơ và thuận lợi của tình hình thế giới, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tập trung vào động lực xuất khẩu, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm nền tảng cho phát triển; kêu gọi đầu tư mở rộng thị trường cho động lực tăng trưởng mới. Tập trung nghiên cứu giải pháp mới thu hút đầu tư, tài chính, đặc biệt là các ngành kinh tế mới nổi. Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các địa phương tận dụng cơ hội để phát triển, tăng cường kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài để chuyển tải thông tin, mở rộng cơ hội quảng bá, xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đề xuất chính sách kịp thời, hiệu quả; định hướng quy hoạch phát triển tạo thuận lợi cho hàng hóa của nước ta có khả năng cạnh tranh, phù hợp với xu thế của thế giới. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài theo dõi sát, nắm bắt tình hình để phối hợp với cơ quan chức năng trong nước tháo gỡ khó khăn; tiên phong cho thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; khai thác hiệu quả hơn năng lực của kiều bào ta ở nước ngoài; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài.
Dạ Đăng
Nguồn: https://baocaobang.vn/hoi-nghi-thu-tuong-chinh-phu-voi-cac-truong-co-quan-dai-dien-viet-nam-o-nuoc-ngoai-ve-ngoai-giao-kin-3170745.html