Chiều 30/8, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp trực tuyến với điểm cầu của 63 địa phương trong cả nước chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì.
Chủ trì phiên họp tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự có thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, một số sở, ban, ngành.
Theo báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP năm 2022 là 14,26% (cao hơn 1,7 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP 2022), trong đó, kinh tế số ICT vẫn là trụ cột đóng góp chính với tỷ trọng 9,02% GDP và tác động lan tỏa của ICT đóng góp vào các ngành, lĩnh vực khác 5,24%. Việt Nam được đánh giá là điểm hấp dẫn của hoạt động gia công phần mềm khi xếp thứ 29 thế giới về kỹ năng lập trình, thuộc nhóm top 10 bảng xếp hạng các quốc gia phát triển phần mềm tốt nhất thế giới và là một trong hai điểm đến gia công phần mềm tốt nhất Đông Nam Á năm 2022.
Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 – 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận và đưa ra các giải pháp về không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam như: công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; Logistics và dệt may. Kinh tế số là vấn đề mới, do vậy cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy. Nền tảng số là cách tiếp cận đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Cách tiếp cận 4 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia gồm: bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng; Bộ Thông tin và Truyền thông là cầu nối chia sẻ để doanh nghiệp tiếp cận được tới các bài toán; doanh nghiệp nền tảng (doanh nghiệp nòng cốt) tìm ra bài toán của Việt Nam, giải bài toán Việt Nam bằng công nghệ và sự thấu hiểu bối cảnh và văn hóa Việt Nam và địa phương trở thành nơi tiên phong triển khai thí điểm các mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, tạo thị trường cho doanh nghiệp phát triển dựa trên định hướng, chiến lược phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để phát huy thế mạnh của địa phương, giải quyết các vấn đề nan giải của địa phương nhờ công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy hệ sinh thái các nền tảng tốt cùng tham gia để quá trình chuyển đổi số thực sự diễn ra một cách toàn diện, tổng thể và toàn trình trong từng lĩnh vực; chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số. Thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương bằng các biện pháp chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G/3G sang smartphone; tăng cường triển khai thực thi Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ngày 30/12/2020 ban hành quy chuẩn thiết bị đầu cuối di động yêu cầu phải hỗ trợ công nghệ từ 4G trở lên, góp phần tăng cường chuyển đổi các máy di động smartphone hoạt động trên mạng. Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một trung tâm dữ liệu lớn vùng và một trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung vào các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong vùng…
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Phiên họp đã lan tỏa thông điệp và tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” sẽ tạo thêm cú huých góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực.
Tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Diệu Hoa