Tiếp tục chương trình giám sát kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, chiều 25/8, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch làm trưởng đoàn giám sát tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Cùng đi có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ngành.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, về nguồn lực thực hiện 3 CTMTQG dự kiến huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực thực với tổng nguồn vốn 31.304,821 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn trực tiếp thực hiện các CTMTQG 9.648,221 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện trên địa bàn các CTMTQG 10.564,017 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương 10.716,583 tỷ đồng.
Đến nay, giải ngân các nguồn vốn được giao thực hiện các CTMTQG theo số vốn được phân bổ. Năm 2022, giải ngân 13,222 triệu đồng, đạt 28,7% kế hoạch; năm 2023 (bao gồm cả nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang 2023) được 25,203 triệu đồng, đạt 12,53% kế hoạch. Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 19.456.195 triệu đồng.
Giai đoạn 2022 – 2023, tỉnh tận dụng tối đa nguồn lực từ ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa xóm, tổ dân phố (bao gồm cả xây mới, cải tạo, sửa chữa) 107 nhà văn hóa từ nguồn kinh phí CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; 201 nhà văn hóa từ nguồn kinh phí CTMTQG xây dựng nông thôm mới; 9 nhà văn hóa được bố trí kinh phí từ các nguồn khác với tổng vốn 128.632 triệu đồng. Hiện, toàn tỉnh có 1.961 nhà/1.462 xóm, tổ dân phố (số nhà văn hóa đang sử dụng tốt 579 nhà, số nhà văn hóa dôi dư 217, số nhà văn hóa đang sử dụng nhưng xuống cấp và không đủ diện tích 1.165 nhà).
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án để đảm bảo thực hiện đạt 62 xã và 24 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghe được phát thanh và xem được truyền hình; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư…
Sở KH &ĐT kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn hỗ trợ tỉnh thực hiện dứt điểm việc thí điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp Trung ương và các nguồn vốn tài trợ khác để phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
HĐND, UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng “Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 54/2022/NQ-HĐND, ngày 30/8/2022 ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn, huy động vốn và tỷ lệ dự án theo cơ chế đặc thù thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”; “Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 80/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh về việc phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2023 thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh”. Xây dựng “Quyết định điều chỉnh, bổ sung một số nội dung kèm theo Quyết định số 29/2022/QĐ-UBND, ngày 13/9/2022 ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”…
Tại buổi giám sát, các đại biểu trao đổi, làm rõ về các vấn đề: Nguồn vốn hỗ trợ đối ứng thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025; ổn định dân cư; nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các công trình, dự án…
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch đề nghị Sở KH&ĐT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành rà soát vốn đầu tư, vốn sự nghiệp và vốn đối ứng, dự kiến nguồn vốn đối ứng 3 CTMTQG. Tham mưu cho tỉnh có những điều chỉnh tiến độ giải ngân các dự án, nhắc nhở các chủ đầu tư, ban quản lý dự án điều chỉnh kịp thời nguồn vốn. Phối hợp điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện các Dự án ODA, ưu tiên vốn đối ứng Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng), Dự án KOICA…
K.T