Hướng đến sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ. Qua đó, giúp các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), người nông dân có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất, tiêu thụ nông sản thuận lợi, bền vững hơn.
Những mô hình liên kết tiêu biểu
Huyện Hà Quảng có 76.068,08 ha đất nông nghiệp, chiếm 93,8% tổng diện tích đất tự nhiên. Nhằm cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, huyện xây dựng Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 -2025, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa, Đề án phát triển chăn nuôi, Kế hoạch tái cơ cấu phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới… Qua đó, đưa sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển biến tích cực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Bế Văn Bưu cho biết: Huyện triển khai đồng bộ giải pháp để xây dựng vùng sản xuất tập trung, khuyến khích, kêu gọi các DN, HTX có uy tín tham gia liên kết sản xuất với nông dân. Đến nay, huyện thành lập được nhiều liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa chất lượng cao; triển khai ký kết hợp tác, hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Nông lâm nghiệp Hòa An, Công ty Tư vấn phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường (DACE), Công ty TNHH một thành viên Viện Thuốc lá, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Trần Minh, HTX Giang Lam… liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho người dân, như ký kết hợp tác liên kết trồng lúa Nhật, lúa Đoàn kết theo hướng sản xuất hàng hóa với diện tích hằng năm trên 180 ha. Duy trì và mở rộng các vùng sản xuất cây thuốc lá tập trung hơn 1.000 ha, duy trì và mở rộng vùng sản xuất lạc L14 với diện tích trên 800 ha/năm. Hiện nay, đang liên kết sản xuất một số cây gia vị theo hướng hữu cơ tại địa phương như: gừng, ớt, sả, các loại cây đậu đỗ và xây dựng hơn 5.500 m2 nhà màng, nhà lưới với hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao, đạt từ 100 – 270 triệu đồng/ha/năm. Hết năm 2022, giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện được 40,2 triệu đồng, đạt 103,6% kế hoạch, tăng 4,7% so với năm 2020.
Với mong muốn xây dựng được một thương hiệu miến dong đưa vào thị trường cả nước và hướng tới xuất khẩu, năm 2017, HTX nông sản Tân Việt Á được thành lập chuyên sản suất miến dong 100% từ bột dong riềng trồng ở địa phương. Từ năm 2019, HTX liên kết với các hộ dân 2 xã: Phan Thanh, Yên Lạc (Nguyên Bình) để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bột dong. HTX tham gia nhiều hội nghị, hội chợ quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh, nhờ đó, thị trường tiêu thụ miến dong Tân Việt Á ngày càng được mở rộng. Đến năm 2020, sản phẩm miến dong Tân Việt Á được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Giám đốc HTX nông sản Tân Việt Á Trần Đức Hiếu chia sẻ: Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, năm 2020 HTX nông sản Tân Việt Á xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm củ dong riềng trên địa bàn xã Yên Lạc, Phan Thanh giai đoạn 2020 – 2022, kinh phí thực hiện trên 805 triệu đồng, nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 3 năm sản xuất, sản phẩm miến dong Tân Việt Á dần khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trung bình HTX bán ra hơn 20 tấn miến dong/năm, doanh thu khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ ở địa phương.
Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
Thực hiện Nghị định số 98, toàn tỉnh triển khai nhiều dự án, kế hoạch liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, người dân khi tham gia liên kết, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các đối tượng tham gia. Giai đoạn 2018 – 2022, tỉnh phê duyệt 161 liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (14 kế hoạch liên kết cấp tỉnh, 147 kế hoạch liên kết cấp huyện), bao gồm: 131 chuỗi trồng trọt, 26 chuỗi chăn nuôi, 4 chuỗi thủy sản, với 30.084 hộ dân, 14 HTX, 59 DN tham gia. Tổng kinh phí hỗ trợ 97 tỷ 302 triệu đồng từ nguồn vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025, từ năm 2022 đến nay, Hội đồng thẩm định tỉnh thẩm định 26 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, có 3 chuỗi liên kết cấp tỉnh với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ từ các CTMTQG trên 4 tỷ 429 triệu đồng, 23 chuỗi liên kết cấp huyện với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 23 tỷ đồng. Hiện nay, có 9 kế hoạch được phê duyệt và đang triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thái Hà cho biết: Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98 đem lại hiệu quả đáng kể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung tại tỉnh đã và đang hình thành, phát triển như: vùng trồng trúc sào huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc; vùng trồng mía tại Quảng Hòa; vùng nguyên liệu thuốc lá tại Hòa An, Hà Quảng; cây dong riềng tại Hòa An, Nguyên Bình; cây thạch đen tại Thạch An… đem lại hiệu quả và thu nhập cho người dân. Trình độ canh tác của người dân ngày càng hoàn thiện, năng suất và chất lượng các loại nông sản tăng lên rõ rệt. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích trồng trọt tăng từ 38,2 triệu đồng/ha năm 2018 lên 44 triệu đồng/ha năm 2022, tăng 15% (tăng 5,8 triệu đồng/ha). Mô hình liên kết chuỗi giá trị tạo điều kiện cho nông dân phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao theo hướng hàng hóa, bước đầu tạo thương hiệu được khách hàng đặt mua, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2022, 18 HTX nông nghiệp và 3 HTX phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sở hữu 34/97 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với nhiều sản phẩm đa dạng như: lạp sườn, thịt hun khói, dâu tây, rượu ngô, đường phên, chanh leo…
Tuy nhiên, qua đánh giá, quá trình thực hiện Nghị định số 98 vẫn có những khó khăn, vướng mắc. Nhiều địa phương, DN và các HTX gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ tư vấn, nhất là các tư vấn có năng lực, hiểu biết để có thể tư vấn, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết. Đối tượng hỗ trợ thuộc CTMTQG còn hạn hẹp. Quy trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ còn rườm rà, phức tạp làm cho các DN, HTX ngại tham gia thực hiện phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Hợp tác, liên kết giữa DN và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán; tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo, để Nghị định số 98 phát huy hiệu quả, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với các chương trình trọng tâm của tỉnh như: CTMTQG, Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; đẩy mạnh việc thực hiện Đề án Nông nghiệp thông minh tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường thu hút đầu tư và hỗ trợ các DN, HTX; thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DN mở rộng vùng nguyên liệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, HTX. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện.
Minh Hòa