Sự đa dạng, phong phú về văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã vẽ nên bức tranh đầy màu sắc cho quê hương Cao Bằng. Để những nét đẹp truyền thống ấy luôn hiện hữu trong đời sống người dân, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh luôn nỗ lực hoạt động vì mục tiêu gìn giữ, phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca trong kho tàng văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh được thành lập năm 2011, đến nay, phát triển các chi hội, phân chi hội ở 100% huyện, Thành phố với gần 2.200 hội viên; 5 câu lạc bộ (CLB) dân ca Tày, Nùng ở Thành phố, CLB dân ca thị trấn Trùng Khánh, CLB hát Then Nam Tuấn (Hòa An), CLB hát Then phường Tân Giang, CLB hát Then và hát dân ca Bản Giốc – Ngườm Ngao (Trùng Khánh), bước đầu đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thưởng thức văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, không kể lứa tuổi, giới tính hay điều kiện kinh tế, chính tình yêu, sự nhiệt huyết và đam mê những lời ca, điệu múa, tiếng đàn và nét đẹp truyền thống của dân tộc đã gắn kết các hội viên lại với nhau. Trong đó, hội viên lớn tuổi nhất 70 tuổi, nhỏ tuổi nhất 5 tuổi.
Đã thành thông lệ, mỗi tuần 1 – 2 buổi, các hội viên cùng nhau luyện tập những bài hát dân ca truyền thống, làn điệu Then, đàn tính, hát lượn… Mỗi thành viên tự trang bị các nhạc cụ dân tộc như đàn tính, sóc nhạc, quạt,… để luyện tập; người đàn, người hát rất vui vẻ. Những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, lao động sản xuất được các thành viên trong Hội luyện tập và biểu diễn thuần thục. Vào các dịp lễ, Tết, Hội dành nhiều thời gian hơn cho các buổi sinh hoạt để ôn luyện các bài hát, làn điệu chuẩn bị cho các hoạt động của cộng đồng.
Chị Lý Thị Mỹ Duyên, thành viên Chi hội Bảo tồn dân ca Thành phố chia sẻ: Tôi tham gia Chi hội Bảo tồn dân ca Thành phố từ năm 2019, đến nay được hơn 4 năm. Mỗi buổi sinh hoạt chung, chúng tôi cùng nhau tập luyện, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho nhau. Đến nay, đàn, hát trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của tôi sau những giờ làm việc căng thẳng. Tôi rất thích các làn điệu Then, Pựt Lằn, lời ca tuy mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý tứ, nhất là ở những lời hát giao duyên, khi cất lên ta thấy như chứa một biển tình.
Không chỉ luyện tập và biểu diễn cho nhau nghe, Hội còn tham gia nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng, nhiều hội thi trong tỉnh, các cuộc giao lưu liên xã, huyện với các tỉnh bạn, như: Lễ hội chùa Tam Thanh (Lạng Sơn), Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc, Lễ công bố quyết định Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Liên hoan hát Then – đàn tính gắn với các hoạt động du lịch, sáng tác bài hát Then phục vụ đoàn đại biểu tỉnh đi thăm Trường Sa và Công an tỉnh dự Giải dân ca khu vực Tây Bắc… Phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin các huyện, Thành phố, Đoàn Nghệ thuật tỉnh tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh với trên 6.800 lượt hội viên tham gia.
Quan tâm công tác nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật những làn điệu cổ. Nhiệm kỳ 2017 – 2022, Hội tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý các bài dân ca các dân tộc với nhiều thể loại: hát Then, lượn Then, Dá Hai, Pụt Lằn, Xà Xá, Sli Giang, Nàng ới, Hà Lều… Sưu tầm 45 bài hát dân ca các dân tộc; sáng tác, đặt lời mới 162 bài hát; xây dựng 56 chương trình văn nghệ dân ca từ các chi hội cơ sở. Tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, sáng tác các sản phẩm nghệ thuật dựa trên chất liệu dân ca. Các thành viên, đặc biệt là lãnh đạo Hội tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến, sáng kiến đề án khoa học về bảo tồn dân ca với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Lưu truyền, chế tác, sản xuất hơn 2.000 cây đàn tính phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
Để lưu giữ hồn cốt những làn điệu dân ca trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, Hội mở các lớp bồi dưỡng, truyền dạy dân ca, dân vũ truyền thống cho thế hệ trẻ, áp dụng những thành tựu nghiên cứu vào đời sống, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc, nhất là trong giáo dục nhà trường. 5 năm qua, Hội truyền dạy cho khoảng 600 người, góp phần tạo nên phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng sâu rộng trong nhân dân. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh cho biết: Đối với chúng tôi, việc truyền dạy các làn điệu dân ca, hát Then, đàn tính là trách nhiệm cao cả, cũng giống như khơi mạch suối ngầm. Những nét đẹp văn hóa tinh thần ấy được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ cha ông đến thế hệ con cháu, giống như mạch nguồn chảy mãi không ngừng. Vì thế, chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa để các bạn trẻ biết đến giá trị, từ đó tiếp nối, giữ gìn để những giá trị văn hóa này được lưu giữ mãi.
Thời gian tới, Hội tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, bảo tồn, sưu tầm, phục dựng và khai thác có hiệu quả các loại hình di sản dân ca các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa song song với tham gia nghiên cứu, truyền bá dân ca dân tộc, xây dựng các dự án bảo tồn và phát huy dân ca, sản xuất đĩa hình và đĩa tiếng DVD dân ca. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hoạt động và huy động tối đa các nguồn lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh tạo nên một vườn hoa âm nhạc dân tộc đa sắc màu, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Mỗi hội viên đều là những người giữ lửa, thổi hồn và gắn kết những con người đam mê nghệ thuật dân ca lại với nhau để những làn điệu, những câu hát dân ca ấy luôn tiềm tàng sức sống, lưu truyền vẻ đẹp, sắc màu văn hóa các dân tộc cho thế hệ mai sau.
Diệu Linh