Với mạng lưới trải dài trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Cao Bằng đa dạng hóa chương trình, tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, đẩy mạnh giải ngân cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó trở thành “người bạn” của tam nông.
Gia đình ông Nông Văn Đông, xóm Đoỏng Luông, xã Đình Phong (Trùng Khánh) sau khi tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh huyện Trùng Khánh với số tiền 5,9 tỷ đồng đã được tiếp thêm sức mạnh, là nguồn động viên lớn để gia đình đầu tư phát triển gia trại diện tích 8.739 m2; xây dựng chuồng chăn nuôi diện tích 1.500 m2, phân làm 3 dãy chuồng khép kín gồm 50 ô chuồng nái đẻ, 30 ô chuồng hậu bị, quạt làm mát, giàn mát, tủ điều khiển để chăn nuôi lợn, gà, vịt.
Hiện nay, mô hình gia trại của ông có 120 con lợn nái. Mỗi năm lợn nái đẻ được 2 lứa, mỗi lứa 16 con; 500 con gà đẻ trứng, 800 con vịt cỏ, 850 cây hạt dẻ, 100 cây mít…, sau khi trừ các loại chi phí lãi từ 650 – 850 triệu đồng. Anh Đông chia sẻ: Trước đây gia đình tôi làm kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định. Từ nguồn vốn vay tại Agribank Chi nhánh huyện Trùng Khánh, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Với tính cần cù, chịu khó, biết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, gia đình anh Đông trở thành hộ sản xuất, kinh doanh có tiếng trên địa bàn huyện, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân khác, được nhiều người biết đến và học tập làm theo.
Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Cao Bằng Hoàng Thị Ngân cho biết: Hoạt động kinh doanh của Agribank Chi nhánh Cao Bằng đạt những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là tăng trưởng dư nợ lĩnh vực tam nông. Chi nhánh phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức tập huấn các văn bản quy định về cho vay nông nghiệp, nông thôn đến tất cả các chi nhánh trực thuộc, kịp thời ban hành các văn bản triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, Agribank Cao Bằng thường xuyên chỉ đạo cán bộ tín dụng tham gia tổ chức họp tổ liên kết, họp xóm, xã để nắm bắt nhu cầu vay vốn, hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tuyên truyền chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tham mưu chính quyền địa phương các cấp, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội các cấp thực hiện có hiệu quả cho vay nông nghiệp, nông thôn; tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền các chính sách ưu đãi về tín dụng của Chính phủ, đưa ra các giải pháp đầu tư hiệu quả. Trên tinh thần thỏa thuận liên ngành ký giữa Agribank và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Agribank Chi nhánh Cao Bằng ký kết thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên về việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hội viên các hội, đoàn thể vay vốn thông qua mô hình tổ liên kết trong hệ thống Agribank.
Cùng với đó, Chi nhánh thực hiện các chính sách ưu đãi đối với khách hàng trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Agribank như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn lên tối đa 300 triệu đồng; không thu phí trả nợ trước hạn với các đối tượng khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn… Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Agribank Chi nhánh Cao Bằng hưởng ứng “Kế hoạch hành động của Agribank hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; xây dựng kế hoạch hoạt động an sinh xã hội, tăng cường huy động vốn và hỗ trợ Chương trình xây dựng nông thôn mới từ nguồn an sinh xã hội hỗ trợ các địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 3.206 tỷ đồng, chiếm 65,5%/tổng dư nợ, trong đó, dư nợ có tài sản bảo đảm 2.081 tỷ đồng, chiếm 64,9% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn; dư nợ có tài sản bảo đảm 1.125 tỷ đồng, chiếm 35,1%. Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 1.579 tỷ đồng với 14.604 khách hàng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,9%.
Với những giải pháp đổi mới trong kinh doanh, đến nay, nguồn vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% xóm trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Vũ Tiệp