Xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) là một trong 5 làng nghề trên địa bàn tỉnh được công nhận là làng nghề truyền thống, giữ được nét đẹp văn hóa, truyền thống của người dân tộc Nùng An. Với những giá trị văn hóa và truyền thống đặc sắc, làng hương Phja Thắp không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến thăm Cao Bằng, nơi đây còn là một vùng đất mang trong mình một phần giá trị văn hóa đặc biệt của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.
Mùi thơm thoang thoảng từ những bó hương phơi đầy hai bên đường khiến ai đi qua đây cũng phải ghé vào thăm ngôi làng làm hương truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Phja Thắp là ngôi làng cổ của dân tộc Nùng An có nghề làm hương truyền thống đã nổi tiếng khắp tỉnh. Hiện nay, 100% hộ dân xóm Phja Thắp đều làm hương theo phương pháp truyền thống.
Điểm độc đáo của hương ở Phja Thắp là được làm hoàn toàn thủ công không dùng hóa chất. Nguyên liệu quan trọng nhất là lá cây “bầu hắt” được người dân khai thác từ rừng tự nhiên, theo quan niệm người dân nơi đây cây rừng tự nhiên mới có mùi hương đặc trưng. Lá cây “bầu hắt” sau khi hái về phơi khô, nghiền nhỏ và trộn với mùn cưa, mùn cưa được lựa chọn từ những cây gỗ thân mềm để cho hương cháy tốt.
Anh Nông Văn Lập, xóm Phja Thắp cho biết: Làm hương trải qua 8 công đoạn. Riêng việc lấy lá từ trên rừng về phơi là quan trọng bởi lá cây này làm ra loại keo dính. Nếu thiếu lá này không làm được hương. Lá này trước đây mọc tự nhiên trên rừng và có mùi hương thơm tự nhiên.
Quy trình làm hương không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn. Cây mai sau khi được lấy về sẽ cắt thành từng khúc dài khoảng 40 cm rồi chẻ thành từng tăm hương, gỗ thông mục được nghiền nát thành bột để tạo màu. Chân tăm hương có thể được nhuộm màu trước hoặc sau khi đem phơi. Tăm hương sau khi phơi khô được nhúng keo và lăn qua lớp mùn cưa trộn trầm vừa đủ 4 lần. Khi lăn phải nhanh tay lắc để bột vừa bám dính, vừa bảo đảm độ tròn đều của cây hương. Có như vậy hương khi đốt sẽ có mùi thơm, tàn đẹp.
Hương Phja Thắp nổi tiếng với mùi thơm tự nhiên, khi đốt dễ cháy và bảo quản được lâu dài. Gọi là nghề thủ công bởi nghề làm hương ở Phja Thắp không sử dụng bất cứ công cụ hỗ trợ nào. Sản phẩm hương Phja Thắp được người Nùng An phơi khô tự nhiên. Hương thành phẩm được cắm vào các ống tròn làm bằng bê tông hoặc người dân tận dụng khu ruộng cạn để phơi. Thường thì hương chỉ cần phơi 1 ngày là đạt yêu cầu.
Khác với các làng nghề làm hương tại Việt Nam, que để làm hương được nhuộm đỏ trước khi cho vào máy nặn, tại Phja Thắp sau khi hương được làm xong thì người dân mới nhuộm đỏ chân hương bằng lá cây “chăm che” được trồng quanh nhà rồi mới đem ra phơi.
Trong tất cả các công đoạn thì phơi hương chiếm thời gian lâu nhất. Người Nùng An tận dụng hết tất cả mọi vị trí trống để phơi hương, hương phơi tại các cách đồng lúa sau khi thu hoạch, trên những con đường bước vào làng và cả dưới chân nhà sàn trong các khay bằng đá. Nếu trời nắng thì phơi chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết không thuận lợi sẽ mất khoảng ba ngày. Từng que hương thành phẩm được tỉ mẩn cắm trên các khay nhỏ, mỗi khay xếp khoảng mười năm đến hai mươi que tách đều nhau thành hình tròn để hương không bị dính lại với nhau.
Vào những ngày trời nắng, mọi con đường trong xóm Phja Thắp đều ngào ngạt trầm hương. Lúc nông nhàn trong xóm từ già đến trẻ đều tất bật với công việc làm hương. Nhịp sống này đã được người Nùng An nơi đây duy trì hàng trăm năm nay. Đặc biệt dù cho có công nghệ hiện đại nhưng người dân nơi đây vẫn chỉ sử dụng phương pháp làm hương truyền thống của tổ tiên để lại.
Bà Hoàng Thị Piềng, xóm Phja Thắp cho biết: Nghề làm hương có từ rất lâu và được truyền từ đời trước sang đời sau. Người Nùng An coi hương là sợi dây tâm linh gắn kết họ với tổ tiên và thần linh.
Nghề làm hương không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cho người dân Phja Thắp, du khách thập phương đến nơi đây còn được tìm hiểu cách người dân giữ gìn nghề truyền thống qua đó hiểu hơn về nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng An.
Diệu Hoa