Thị trường nhạc Việt nhiều năm qua trở nên sôi động bởi sự bùng nổ của thời đại công nghệ số, những sản phẩm âm nhạc ngày càng xuất hiện với vô vàn màu sắc và cách tiếp thị khác biệt. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sở thích thưởng thức âm nhạc của khán thính giả. Do đó, cần định hướng để giới trẻ cảm thụ được cái hay cái đẹp của âm nhạc. Đặc biệt là những dòng nhạc chính thống, mang đậm bản sắc dân tộc đã và đang dần bị quên lãng.
Để âm nhạc thực sự là “sản phẩm sạch” của ngành giải trí
Sự xuất hiện của mạng xã hội Internet có tác động không nhỏ tới thị trường âm nhạc. Thay vì sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống để hợp âm tạo thành bài hát, các sáng tác âm nhạc hiện đại được truyền tải trên Internet mang tính đại trà, ngôn từ trong bài hát không có ý nghĩa, thậm chí chỉ là những câu từ giật gân đang tạo được sức nóng trên mạng xã hội. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp tới khán thính giả, đặc biệt là giới trẻ, những người có cơ hội tiếp xúc với mạng xã hội hằng ngày.
Từ khi thị trường âm nhạc Việt xuất hiện dòng nhạc teen (nhạc trẻ) thì thể loại này thường xuyên ngự trị trên Internet. Với những ca từ dễ dãi, kết hợp với việc ăn mặc hở hang, uốn éo trên sân khấu, các “ca sĩ” ở thể loại này thi nhau lũng đoạn nghệ thuật bằng các vụ lùm xùm lẫn scandal, như: Hát nhép, ăn mặc sexy để câu khán giả hay tung ra những sản phẩm mà nhiều người cho là “thảm họa” âm nhạc… Nhiều hiện tượng âm nhạc nổi lên bằng cách mua vui cho mạng xã hội, trở thành trào lưu và mang nội dung không lành mạnh cho một bộ phận giới trẻ học theo.
Em Nông Minh Nhật (Thành phố), 10 tuổi, chia sẻ: Em thần tượng ca sỹ hát theo thể loại rock nên thường lên mạng để nghe và luyện tập theo mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Dòng nhạc này mang phong cách trẻ trung và hơi “quái” rất phù hợp với cá tính của người trẻ. Gần đây em còn chủ động gia nhập nhóm nhảy hiphop của một số bạn bè và lên kế hoạch luyện tập vào mỗi buổi tối để có thể hát và di chuyển từng bước điêu luyện như các ca sỹ.
Em Lương Trang Linh (Quảng Hòa), 15 tuổi, lại yêu thích ca khúc theo dòng nhạc blad nhẹ nhàng. Linh cho biết: Có nhiều ca sỹ theo thể loại này nhưng em thích nhất là Mr.Sio, Bảo Anh và Bích Phương. Cứ mỗi lần các ca sỹ này chuẩn bị có MV ca nhạc mới là em đều đón đợi. Bên cạnh các ca khúc có ca từ, giai điệu hay thì cũng có một số ca khúc ca từ chưa được hợp lý, sâu sắc nhưng em vẫn thích vì giai điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển.
Có thể thấy, “gu” hay sở thích thưởng thức âm nhạc của giới trẻ chịu tác động lớn đến nhạc đang thịnh hành trên thị trường. Những tác phẩm “mì ăn liền” xuất hiện ngày càng nhiều và ảnh hưởng không nhỏ tới công sức lao động của các nhạc sỹ, nghệ sỹ chân chính. Trước đây, một ca khúc khi đến được với công chúng và tạo nên sự thành công là cả quá trình trải nghiệm thực tế, lẫn sự trăn trở, băn khoăn và thai nghén của những nhạc sỹ tài năng. Còn hiện nay, quá trình sáng tác, lao động nghệ thuật ở một bộ phận xu hướng sơ sài hơn rất nhiều. Chưa kể đến việc nhiều ca sỹ có chiêu trò tạo “hiệu ứng”, scandal để câu khán giả…
Đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ
Cô giáo Vũ Mai Lan, giáo viên môn âm nhạc Trường Tiểu học Phục Hòa (Quảng Hòa) chia sẻ: Song song với các tiết dạy nhạc trong chương trình giáo dục, nhà trường thường xuyên khuyến khích các học sinh hướng đến âm nhạc truyền thống thông qua các làn điệu dân ca như: Then, páo dung,… Tại các chương trình văn nghệ, giáo viên hướng các em luyện tập, biểu diễn các tiết mục âm nhạc dân tộc truyền thống. Đồng thời qua các tiết giảng dạy, nhà trường luôn chú trọng định hướng cho các em cảm thụ bài hát hay, đặc sắc, phù hợp với lứa tuổi học trò.
Cùng với sự giáo dục của nhà trường, môi trường sống, nhất là những người thân yêu trong gia đình cũng có tác động không nhỏ tới sở thích âm nhạc của các em. Chị Dương Thị Thủy, phường Sông Hiến (Thành phố) chia sẻ: Nhà tôi hiện có 2 cháu nhỏ đang vào độ tuổi dậy thì. Dựa vào sở thích của con, tôi đang hướng các cháu tìm hiểu và trải nhiệm những lớp học dân ca, câu lạc bộ dân ca như đàn tính, hát then… Mới đầu các cháu tỏ ra không hứng thú và chán nản nhưng với sự động viên của bố mẹ và đặc biệt là những sân khấu nhỏ nơi các cháu được bày tỏ, thể hiện tài năng, dần dần các cháu có thêm hứng thú và theo đuổi dòng nhạc truyền thống. Đến nay, các cháu nhà tôi đã theo học đàn tính được 2 năm.
Để âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ nhiều hơn, việc cần làm là phải giáo dục từ trong nhà trường, gia đình, từ các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt hè ở khu dân cư. Các chương trình, cuộc thi hát về nhạc truyền thống cũng rất cần thiết để khơi dậy nhiệt huyết trong mỗi em. Đó là một cách làm hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống trong thanh niên. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp nhằm đánh giá, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ca khúc mới trước khi đưa đến công chúng; chú trọng khâu kiểm duyệt để sàng lọc và đào thải những tác phẩm âm nhạc chất lượng kém, nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó, cần tôn vinh kịp thời các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc và có giải pháp đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với công chúng nhằm nâng cao thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay.
Hải Đăng