Ăn trầu – phong tục truyền thống đã tồn tại từ bao đời nay trong văn hóa người Việt, là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Đối với mỗi người con đất Việt, hẳn ai cũng đã từng lớn lên quanh câu chuyện kể của bà, của mẹ về “Sự tích trầu cau” – ẩn chứa trong đó là câu chuyện chung về triết lý nhân sinh, văn hóa giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng về sự biểu đạt giữa người với người thông qua miếng trầu, gắn kết tình thân… Theo truyền thuyết và thư tịch, tục ăn trầu có từ thời các vua Hùng dựng nước. Trải qua bao biến đổi của xã hội, tục ăn trầu và mời trầu vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, hiện hữu trong xã hội ngày nay, đặc biệt là trong cuộc sống người dân nông thôn.
Miếng trầu (khẩu trầu), gồm lá trầu xanh và các thành phần: cau, vỏ cây, vôi tôi. Người ăn chỉ nhai và thưởng thức vị trầu cau, nuốt miếng nước từ khẩu trầu trong miệng và bỏ bã trầu đi. Đôi khi nhai thêm vài sợi thuốc lào hoặc vo nhúm thành viên để xỉa và miết vào răng, giữ lại hương vị của miếng trầu. Bộ đầy đủ bao gồm cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy, được tô vẽ hoa văn, chạm trổ về phong cảnh quê hương, đất nước, hoa lá hay động vật.
Cách têm trầu không quá phức tạp, lá trầu cuộn tròn nhiều vòng, dùng chìa vôi để quét vôi lên lá trầu, người ta gài cuống lá vào giữ cho lá không bị tở ra. Quả cau tươi hoặc khô bổ cả hạt thành từng miếng, nếu là cau khô, ngâm nước trước khi ăn cho mềm ra rồi mới têm. Thêm một chút vỏ cây gấp lại rồi lấy một miếng cau vào miệng nhai nát hỗn hợp 3 món này. Vị ngọt của cau, vị cay, thơm của tinh dầu từ lá trầu, vị chát của hạt và vỏ, tất cả hòa quyện với nhau đem lại cảm giác lâng lâng, chuyếnh choáng men nồng, người nóng lên, hơi thở ấm áp, các cô gái ăn trầu gò má ửng đỏ, mắt long lanh… Trong xã hội truyền thống, hình ảnh người con gái “má hồng, môi đỏ”, cười lộ hàm răng đen bóng do tục ăn trầu, nhuộm răng đen trở thành tiêu chí để xác định “nét đẹp” của nữ giới.
Cụ Hoàng Thị Nhình, xã Hưng Đạo (Thành phố) năm nay 95 tuổi nhưng vẫn nhai được trầu, do hàm răng nhuộm từ thời con gái vẫn chắc đều, đen bóng. Vừa nhai trầu cụ vừa kể: Miếng trầu gắn bó với bà đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Hồi đó trong làng có 17 cô gái, ai cũng nhuộm răng ăn trầu. Từ những ngày đi cày cấy, làm đồng cùng mẹ và các chị, ăn trầu trở thành thói quen không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Trầu cau cũng là biểu tượng của tình duyên, sự gắn bó vợ chồng sắt son nên người ta mới nói nên duyên trầu cau nghĩa là nên duyên vợ chồng. Mâm lễ thời xưa đựng trong khay gỗ vài ba quả cau, lá trầu, còn ngày nay tùy vào điều kiện từng gia đình mà chuẩn bị mâm trầu cau lớn nhỏ khác nhau với những buồng cau sai trĩu, quả to căng tròn, xanh mướt xen lẫn râu cau tạo nên mâm lễ trầu cau ý nghĩa.
Trong xã hội xưa, cách thức têm trầu là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm hạnh, biểu đạt sự đảm đang của phụ nữ. Khi đến hỏi vợ, nhà trai thường xem con dâu têm trầu như thế nào, miếng trầu được têm đẹp mắt, hài hòa thể hiện người phụ nữ khéo léo, tỉ mỉ, biết đong đếm, chu toàn. Têm trầu cũng là một nghệ thuật và nhiều người học cách têm trầu cánh phượng.
Chị Nông Thị Huyền, tổ 8, phường Duyệt Trung (Thành phố) chia sẻ: Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bà nội ngồi bổ cau trước hiên nhà, bà thường ăn trầu với vỏ cây khoai trong rừng chứ không ăn vỏ cây chay như người dân tộc Kinh. Vỏ cây khoai có vị đắng, nhưng khi ăn lẫn với lá trầu lại thanh mát.
Trầu cau đã gắn bó với người Việt rất sâu sắc, vượt lên thói quen hằng ngày, trở thành một nét đẹp văn hóa mang đậm chất Việt. Trong thực hành tín ngưỡng, nghi lễ tâm linh như: Lễ tế trời đất, lễ Phật, lễ thánh, thần, lễ gia tiên…, trầu cau là lễ “đầu” của các lễ nghĩa, vào mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp, trong mâm lễ dâng lên không thể thiếu quả cau, lá trầu. Đây là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa đến nay, thể hiện sự tri ân đối với các bậc tiền nhân.
Văn hóa trầu cau tồn tại xuyên suốt trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Tuy phần lớn hiện nay tục ăn trầu chỉ còn xuất hiện nhiều tại các vùng quê nhưng vẫn còn nguyên nét văn hóa, nhắc nhở thế hệ hôm nay giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như ý nghĩa thực hành tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt.
|
Diệu Linh