Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, tỉnh dự kiến đưa vào tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 18 mỏ mới được bổ sung vào quy hoạch, gồm (8 mỏ đá, 3 mỏ cát, sỏi, 7 mỏ đất). Đến nay, có 14/18 mỏ tổ chức đấu giá nhưng chưa hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép khai thác.
Về thủ tục hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cắt giảm tối thiểu 20% thời gian giải quyết 16/17 thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Trong đó, riêng thủ tục phê duyệt trữ lượng khoáng sản đã cắt giảm 42% thời gian; cắt giảm 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 2/8 thủ tục (thủ tục thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và thủ tục cải tạo phục hồi môi trường).
Các sở, ngành liên quan chủ động xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật điều chỉnh, thủ tục đánh giá tác động môi trường và các thủ tục liên quan khác theo quy định. UBND các huyện, Thành phố rà soát, đôn đốc, phối hợp với chủ đầu tư đánh giá nhu cầu sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt; nghiên cứu cơ chế, chính sách, xem xét điều chỉnh giảm giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường…
Đến nay, toàn tỉnh có 36 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực, trong đó 25 giấy phép khai thác đá với tổng công suất 820.678 m3/năm; 9 giấy phép khai thác cát, sỏi với tổng công suất 331.655 m3/năm; 1 giấy phép khai thác đất san lấp (khai thác khoáng sản kèm trong mỏ sắt Bản Nùng – Bản Luộc, huyện Nguyên Bình) với tổng công suất 16.667 m3/năm.
P.V