Đời sống ngày càng phát triển, các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, nhiệt tình. Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng (VNQC) được thành lập và hoạt động hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Xác định phong trào VNQC có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới tư tưởng, đấu tranh đẩy lùi những thủ tục lạc hậu, hình thành lối sống văn hóa trong cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động hướng dẫn, tuyên truyền nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tại cơ sở. Các hoạt động đi vào nền nếp và hoạt động hiệu quả, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh, được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, thu hút đông đảo đội viên, đoàn viên, nông dân, người lao động, cán bộ và người cao tuổi tham gia.
Tại các huyện, Thành phố, hầu hết mỗi tổ dân cư đều thành lập đội VNQC, đến nay, toàn tỉnh có 706 đội văn nghệ, mỗi đội 10 – 30 thành viên từ các tầng lớp nhân dân, trong đó có những hạt nhân tiêu biểu, nghệ sĩ ưu tú, người cao tuổi am hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc. Nghệ sĩ Ưu tú Đức Cảnh là hạt nhân tiêu biểu trong Đội văn nghệ phường Tân Giang. Tham gia nghệ thuật năm 17 tuổi, từ vai trò diễn viên múa tới Trưởng Phòng Đào tạo Nghệ thuật Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao tỉnh, anh đã có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa, văn nghệ. Từng đạt giải cao tại các cuộc thi, hội diễn văn nghệ trong khu vực và do Trung ương tổ chức, anh luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật, tích cực tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc trong tỉnh, lan tỏa sâu rộng phong trào VNQC.
Thông thường, các đội văn nghệ sinh hoạt 2 buổi/tuần. Đặc trưng của hoạt động VNQC là luôn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh chân thật đời sống lao động của nhân dân, phù hợp để thỏa mãn niềm say mê ca hát, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng dân cư. Tuy là những tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng các diễn viên không chuyên đã thể hiện hết mình, mang tới nhiều cảm xúc cho khán giả. Mỗi buổi giao lưu văn nghệ quần chúng là dịp để người dân giao lưu, trao đổi với nhau kiến thức xã hội như: phát triển kinh tế, giảm nghèo, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội… Không chỉ tham gia biểu diễn văn nghệ, mỗi thành viên trong đội còn là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, xây dựng gia đình văn hóa, xóm, tổ văn hóa, đưa những thông tin, văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đến với người dân thông qua những hình thức, như: tiểu phẩm, ca, múa, nhạc, tuyên truyền miệng…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết: Sở tích cực tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; đấu tranh, ngăn chặn, phản bác kịp thời, hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng các hoạt động văn hóa, văn nghệ để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong cộng đồng.
Ngoài ra, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, Thành phố thường xuyên tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ duy trì tốt các hoạt động văn nghệ như: đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật, đầu tư nâng cao chất lượng, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương, không ngừng đổi mới việc tổ chức các hoạt động tại chỗ để thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho cán bộ cơ sở, chú trọng việc xây dựng, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển và thị hiếu của xã hội…
Thực tế cho thấy, các địa phương, cơ quan, đơn vị có phong trào VNQC phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, toàn tỉnh có 119.781/127.349 gia đình văn hóa, đạt 95%; 1.408/1.462 xóm, tổ dân phố văn hóa, đạt 96,3%. Phong trào VNQC trên địa bàn tỉnh không chỉ có ý nghĩa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần, mà còn giúp người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong cộng đồng.
Diệu Linh