Khó đàm phán giá với chủ mỏ
Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội trong ngày 16/3, ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đã bàn giao mặt bằng thi công cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ tại các vị trí không phải tái định cư.
Cũng theo ông Tiến, địa phương đang quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh công tác xây dựng các khu tái định cư, song song với việc tuyên truyền vận động người dân tạm cư trong thời gian xây dựng nhà ở tại các khu tái định cư để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho dự án trong tháng 3/2024.
Liên quan đến việc cấp mỏ đất, ông Tiến cho hay: Dù đã có cơ chế đặc thù, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 18 nhưng trong quá trình triển khai, việc giao các mỏ đất này chỉ mới giải quyết được việc không phải đấu giá các mỏ đất đã được quy hoạch. Phần còn lại nếu áp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trong Luật Khoáng sản vẫn rất vướng.
Theo đó, để phục vụ đất san lấp cho dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ, Quảng Trị đã quy hoạch 5 mỏ, nhưng chỉ cần sử dụng 2 mỏ là đủ. Trong 2 mỏ trên, hiện nay mới có 1 mỏ đã thỏa thuận xong giá, mỏ còn lại nhà thầu thi công vẫn chưa thỏa thuận được giá với chủ sử dụng đất.
“Mỏ này quy hoạch nằm trong khu đất tỉnh đã cấp cho người dân để trồng rừng và theo quy định của pháp luật phải thỏa thuận với hộ chủ sử dụng đất. Mặc dù Thủ tướng có Chỉ thị, thành lập các tổ để giám sát nhưng việc thỏa thuận theo quy định của pháp luật giữa chủ đầu tư và người dân rất khó khăn”, ông Tiến nói và dẫn ví dụ thực tế có người dân đòi tới 1,6 tỷ đồng/ha trong khi giá đền bù theo quy định là dưới 800 triệu đồng/ha.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, trong quá trình thẩm định dự án, phê duyệt dự án hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư, nếu xác định các mỏ đất này là một hạng mục của công trình thì sẽ được thu hồi đất và sẽ giải quyết được vấn đề thỏa thuận…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, tiến độ các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 khá khả quan. Đến nay sản lượng trên toàn dự án đã đạt đến 27%, có dự án đạt tới 36%, có những đoạn đã thảm bê tông nhựa.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Nghị quyết 43 cho phép áp dụng 3 cơ chế đặc thù trong đó có việc được chỉ định thầu.
“Riêng cơ chế chỉ định thầu đã rút ngắn được tối thiểu 8 tháng từ lúc duyệt chủ trương đầu tư cho đến lúc khởi công dự án. Thực tế đến nay đều lựa chọn được những nhà thầu có năng lực rất tốt”, Thứ trưởng nói.
Về cơ chế cấp mỏ vật liệu xây dựng, hiện nay đã có cơ chế cấp mỏ, giao cho các nhà thầu nên chuyện bắt tay nâng giá, ép giá đối với vật liệu xây dựng như đất, cát, đá đã triệt tiêu được hoàn toàn. Các nhà thầu chủ động hơn trong quá trình khai thác để thi công dự án. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay trong cơ chế mỏ là quá trình thực hiện.
Cụ thể, theo quy định của Luật Tài nguyên, không được thu hồi đất và phải thuê đất. Sau khi hết thời hạn thuê đất, phải thực hiện các thủ tục hoàn nguyên để trả lại cho chủ sở hữu của đất.
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện trong quá trình thuê đất, việc đàm phán giá rất khó. Có những dự án, những mỏ đất giá người dân đòi cho thuê còn cao gấp 3 lần so với giá thu hồi.
Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, nên tính tiền thuê đất bằng 50% hoặc 40% giá tiền thu hồi đất, còn tiền đền bù tài sản trên đất cần tính đầy đủ cho người dân. Như thế sẽ có một chuẩn mực và quá trình triển khai đàm phán cũng sẽ nhanh hơn.
Nguy cơ lỡ hẹn bàn giao xong mặt bằng vào cuối tháng 3/2024
Đáng chú ý, theo kết luận mới nhất Thủ tướng Chính phủ, các địa phương sẽ phải bàn giao xong toàn bộ mặt bằng các dự án cao tốc Bắc – Nam (giai đoạn 2) trước ngày 31/3/2024.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, đến nay một số địa phương mặc dù đã nỗ lực cố gắng, nhưng vẫn còn rất vướng mắc, đặc biệt tại các vị trí liên quan đến tái định cư; vướng mắc về di dời công trình hạ tầng công cộng.
Tại dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 53,963/65,55km (đạt 82,32%), mặt bằng sạch đủ điều kiện thi công 50,665km (đạt 77,29%).
Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Bình mặt bằng đã bàn giao 26,827/33,017km (đạt 81,25%), đoạn qua tỉnh Quảng Trị bàn giao 27,14/32,53km (đạt 83,42%).
Mặt bằng đã nhận có tình trạng xôi đỗ, không liên tục. Theo đó, tại đoạn qua Quảng Bình các nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 25,865km (đạt 78,33%).
Đoạn qua qua Quảng Trị các nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 24,75/32,5km (đạt 76,08%).
Mặt bằng còn lại chưa bàn giao 5,39/32,53km, tập trung chủ yếu ở các vị trí cần tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, việc các địa phương bàn giao mặt bằng đủ điều kiện để thi công khoảng 80%, được chia thành nhiều đoạn khác nhau dẫn đến việc tổ chức thi công khó khăn.
“Nếu trong quý I/2024 địa phương không bàn giao đủ 100% mặt bằng sạch cho dự án việc phải hoàn thành dự án trước 30/6/2025 gặp rất nhiều khó khăn”, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh nhấn mạnh.