Bài báo phản ánh, thời gian qua, một loạt tuyến cao tốc dù đã hoàn thiện đưa vào khai thác như: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi… nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Thậm chí tại tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Dầu Giây dài 200km nhưng cũng không có trạm dừng nghỉ nào. Điều này gây phiền toái, bức bí cho tài xế và hành khách.
Bạn đọc Công Tâm viết “như vậy, cao tốc thành cao… tức”. Trong khi đó, một bạn đọc khác bày tỏ quan điểm cho rằng điều này thể hiện sự đầu tư thiếu đồng bộ, thậm chí có ý kiến còn đặt nghi vấn “có lẽ do đây là miếng bánh quá ngon không ai nhường ai” nên “chẳng ai được ăn”.
Phân tích kỹ hơn, bạn đọc Lan Anh cho rằng, phát triển trạm dừng nghỉ bên cạnh chức năng đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của lái xe và hành khách thì cũng là phát triển dịch vụ, kinh tế, thậm chí là phát triển du lịch.
Do đó nên cần thực hiện và vận hành trạm dừng nghỉ song song tiến độ xây dựng đường cao tốc.
Có thể xem xét sử dụng vốn đầu tư công cấp cho địa phương để đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên địa bàn và thuê quản lý (nếu địa phương không muốn trực tiếp quản lý).
Bạn đọc này còn đưa ra kiến giải: “Muốn có lãi thì thiết kế thật đẹp thật tốt như một điểm du lịch, ngắm cảnh, chụp ảnh check in và mua sắm. Mái nhà của trạm có thể thiết kế vườn và quán cà phê, bố trí các tấm pin mặt trời để bổ sung cấp điện và chiếu sáng cho trạm dừng nghỉ”.
Tương tự, bạn đọc Hai Phong lại cho rằng nếu chưa hoàn thiện thì không cho phép khai thác. Bởi bạn đọc này cho biết rất căng thẳng sau khi chạy tuyến Cao Bồ – Mai Sơn – QL45.
“Gần 80km không trạm dừng nghỉ lại cứ phải canh để giữ tốc độ 80km/h, rất khó chịu và nhiều khi gây buồn ngủ khi phải chạy dài thế”, bạn đọc Hai Phong cho hay.
Trao đổi thêm với phóng viên VietNamNet về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, đường cao tốc hình thành nhưng chưa hoàn thiện được các trạm dừng nghỉ, cụ thể là 200km không có một trạm dừng nghỉ nào, là một điểm hạn chế, làm giảm tính tiện lợi của đường cao tốc đối với lái xe và hành khách.
Trong bối cảnh chưa có được trạm dừng nghỉ trên tuyến, cách xử lý an toàn nhất là tài xế cần cho xe ra khỏi cao tốc, đi đến các nhà hàng, quán ăn ven các quốc lộ để cho khách cùng lái xe đi vệ sinh và nghỉ.
“Tuy nhiên, cách này khiến cho xe phải tốn thời gian nhiều hơn để di chuyển ra và vào cao tốc, kéo dài hành trình của xe nên thông thường các lái xe muốn tìm cách nào đơn giản hơn.
Việc các lái xe dừng đỗ trên làn dừng khẩn cấp trong thời gian dài tiềm ẩn rủi ro tai nạn giao thông rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh người lái xe ở nước ta vẫn chưa có thói quen không được lưu thông trên làn khẩn cấp. Vào ban đêm, khi tầm nhìn kém, khả năng xảy ra tai nạn nghiêm trọng là rất cao”, TS. Phan Lê Bình cảnh báo.
Theo TS. Phan Lê Bình, tại mỗi nước có quy định “khá đa dạng trong bố trí trạm dừng nghỉ”.
Ở Nhật Bản, cơ quan quản lý sẽ bố trí trạm dừng nghỉ với khoảng cách giữa các trạm khá ngắn, chỉ khoảng 20-30km, nên lái xe có nhiều lựa chọn đa dạng, có được nơi dừng chân thoải mái và an toàn.
“Điểm đặc biệt ở Nhật là họ cố gắng kết nối trạm dừng nghỉ với việc phát triển và bán đặc sản của địa phương, từ đó giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương ở lân cận trạm dừng nghỉ.
Khái niệm này đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giới thiệu cho Việt Nam thông qua hỗ trợ nghiên cứu về quy hoạch trạm dừng nghỉ vào giai đoạn năm 2009”, TS. Phan Lê Bình cho hay.
Trong khi đó, tại Mỹ có mạng lưới đường cao tốc rất dài, trải khắp đất nước, nhưng số trạm dừng nghỉ mang tính chất công cộng số lượng rất ít, hàng trăm km mới có một trạm.
Nhưng bù lại, hầu như ở mỗi lối ra của cao tốc đều có doanh nghiệp tư nhân đầu tư cửa hàng ăn uống và cây xăng. Vì thế, lái xe và hành khách không mất nhiều thời gian để tìm được vị trí nghỉ chân hợp lý.
Trở lại các tuyến cao tốc mới mở ở nước ta, TS. Phan Lê Bình cho rằng giải pháp cấp bách cần giải quyết ngay lúc này là phải giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo đó, cảnh sát giao thông tuần tra, nhắc nhở và yêu cầu các lái xe không được dừng đỗ trên làn khẩn cấp, đặc biệt là vào ban đêm.
“Song song với đó, nên khảo sát nhanh và lắp đặt một số biển hướng dẫn tạm để cho lái xe biết được những nhà hàng, điểm nghỉ chân gần ngay các lối ra của đường cao tốc.
Mặt khác, cũng nên nhanh chóng tiến hành triển khai xây dựng và đưa vào vận hành các trạm dừng nghỉ dọc tuyến, đã có trong kế hoạch”, TS. Phan Lê Bình nhấn mạnh.