Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku cần kết nối hiệu quả
Ngày 30/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn kiểm tra dự án giao thông QL19B, đường trục khu kinh tế và làm việc với UBND tỉnh Bình Định về dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, hướng tuyến dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, Gia Lai thống nhất chủ trương. Trong đó, chiều dài tuyến khoảng hơn 122km (đoạn qua địa phận Bình Định khoảng 37km và Gia Lai hơn 85km).
Dự án có điểm đầu tại quốc lộ 19B (Km 39+200) thuộc xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn. Tuyến sẽ đi theo hướng Tây – Nam cắt qua sông Kôn và quốc lộ 19, sau đó đi theo hướng Tây cách quốc lộ 19 khoảng 4-5km rồi vượt đèo An Khê lên Gia Lai. Điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh (thuộc TP Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn lưu ý, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku phải được kết nối liên hoàn với nhiều vùng, nhiều khu vực như Khu kinh tế Nhơn Hội, cảng Quy Nhơn, sân bay, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt là kết nối với cao tốc Bắc – Nam và đường sắt tốc độ cao sau này.
“Thủ tướng đã yêu cầu đường cao tốc phải phát huy được tính kết nối hiệu quả. Chúng tôi mong địa phương làm thế nào để quy hoạch hạ tầng có sự kết nối giao thông với tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku một cách liên hoàn nhất, thuận lợi nhất. Phải phát triển gắn với hàng không, gắn với đường sắt tốc độ cao sau này. Phải kết nối khu kinh tế, khu đô thị, quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Về hướng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tính toán, rà soát lại một cách kỹ lưỡng, tránh phải điều chỉnh quá nhiều hoặc xảy ra phát sinh phức tạp trong khi triển khai thực hiện.
“Hướng tuyến đã được Ban Thường vụ 2 tỉnh thống nhất rồi. Ở đây tôi yêu cầu tư vấn rà soát lại, đánh giá lại để đảm bảo phương án, tránh sau này phải điều chỉnh nhiều quá. Đặc biệt là đi qua diện tích rừng, phải xem ảnh hưởng rừng cụ thể, bởi phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Qua rừng tự nhiên và rừng phòng hộ thì rất phức tạp. Do đó, phải xác định rõ khu vực hướng tuyến qua rừng để tính toán. Làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương để có số liệu ảnh hưởng rừng chính xác”, Thứ trưởng yêu cầu.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, giai đoạn tiếp theo sẽ rà soát lại các cầu, hầm trên tuyến để có sự điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, sẽ tiếp thu ý kiến của hai địa phương ở các văn bản và cho cơ quan chuyên môn rà soát lại để có văn bản trình Chính phủ và xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tổng mức đầu tư dự án.
Kết nối nhiều khu vực của Bình Định
Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định cho biết, sở đã phối hợp với cơ quan của Bộ GTVT đi khảo sát nhiều lần để đề xuất các hướng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku lên lãnh đạo tỉnh Bình Định dựa trên những sự kết nối, phù hợp với sự phát triển địa phương.
Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sau khi nghiên cứu phương án 3 hướng tuyến, đã quyết định chọn hướng phù hợp nhất có điểm đầu tại Km39+200 trên quốc lộ 19B. Vị trí điểm đầu có sự kết nối cảng hàng không Phù Cát, quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc – Nam.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Định có điểm đầu tại quốc lộ 19B đảm bảo phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh, không phá vỡ quy hoạch các xã, phường của thị xã An Nhơn. Đảm bảo không gian phát triển đô thị, vùng nội và ngoại thị An Nhơn.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku giúp khai thác tối đa lợi thế tiềm lực của tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài và đoạn quốc lộ 19B liền kề sân bay Phù Cát hiện đã được đầu tư nâng cấp mở rộng. Giảm thiểu tác động đến không gian thoát lũ phía Đông tuyến quốc lộ 1 và tuyến tránh quốc lộ 1. Giảm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.
Lãnh đạo Bình Định cho biết thêm, xây dựng tuyến cao tốc giúp kết nối với các khu công nghiệp như Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hội… các địa điểm du lịch trên địa bàn Bình Định như Bảo tàng Quang Trung, Kỳ Co, Hầm Hô…
Tuyến cao tốc cũng sẽ giúp kết nối với Khu kinh tế Nhơn Hội bằng đường trục khu kinh tế, kết nối với cảng Quy Nhơn thông qua quốc lộ 1, quốc lộ 19 mới, kết nối với ga đường sắt Diêu Trì thông qua quốc lộ 1, tạo sự kết nối liên hoàn.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cao-toc-quy-nhon-pleiku-can-duoc-ket-noi-lien-hoan-de-phat-huy-hieu-qua-dau-tu-192240830100742172.htm