Đến nay, chưa có một nghiên cứu phân tích cụ thể nào về hiệu quả của các công trình đường bộ cao tốc đối với sự phát triển của vùng, địa phương. Song, chúng ta có thể khẳng định, mỗi tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác đều đang “biến thời gian thành tiền bạc”.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nối liền mạch cao tốc từ TP.HCM đi Khánh Hòa.
Vì sao nói như vậy? Đơn cử, nếu trước đây, chặng đường từ Hà Nội vào Nghệ An mất khoảng 5 – 5,5 giờ đi ô tô thì nay với cao tốc, thời gian rút xuống chỉ còn 2,5 – 3 tiếng. Đường đẹp hơn, tốc độ di chuyển nhanh hơn, chi phí nhiên liệu, hao mòn thấp hơn. Thời gian đi lại rút ngắn sẽ tạo động lực cho kinh tế phát triển. Cơ hội thu hút đầu tư cũng sẽ được chia đều cho các địa phương trên trục cao tốc đi qua.
Thứ hai, hệ thống đường bộ cao tốc được đầu tư đang đi theo 3 “chân kiềng” cốt lõi của sự phát triển bền vững, đó là: Kinh tế – Công bằng xã hội – Môi trường.
Về kinh tế thì rất rõ như đã phân tích ở trên. Còn về công bằng xã hội là bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng cao tốc để di chuyển thuận lợi đến các trung tâm. Với yếu tố môi trường, các tuyến cao tốc mới đều được thiết kế đảm bảo tính tối ưu, thẳng nhất có thể và hài hòa với thiên nhiên với phương châm “qua núi khoét núi”, giảm thiểu tối đa tác động đến thiên nhiên, đáp ứng cả hiệu quả, mỹ quan và sự thân thiện với môi trường.
Từ khi các tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời là một trong những “đòn bẩy” thu hút đầu tư.
Có thể lấy ví dụ về Quảng Ninh. Nhờ phát triển hạ tầng mạnh mẽ, giao thông kết nối từ đường bộ đến đường biển, Quảng Ninh đã rất thành công trong phát triển kinh tế, trở thành một điểm đến hấp dẫn cả về đầu tư, thương mại, du lịch…
Đến nay, các tuyến cao tốc đã cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (Hà Nội) – Cát Bi (Hải Phòng) – Vân Đồn (Quảng Ninh).
Có thể thấy rõ những lợi ích to lớn mà các tuyến đường cao tốc mang lại khi rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian, giúp phương tiện lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn.
Đặc biệt, khi hệ thống đường cao tốc được kết nối, còn tiết giảm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác; giúp giảm thiểu 85-95% số sự cố và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ nằm gần kề đường cao tốc. Với nhiều lợi ích như vậy, việc chúng ta đang nỗ lực nối thông tuyến cao tốc Bắc – Nam trong thời gian ngắn nữa có ý nghĩa rất lớn.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cao-toc-bien-thoi-gian-thanh-tien-bac-192240528000658817.htm