Những lời khuyên, chia sẻ của các anh chị đi trước sẽ tiếp sức cho các thí sinh đặc biệt – lứa thí sinh cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.
PHẠM TUẤN KHANG
Môn ngữ văn: tránh lan man, dài dòng
Trong giai đoạn nước rút, các thí sinh nên tập trung ôn kỹ tác giả, tác phẩm và nghệ thuật, vì đây là những kiến thức cốt lõi. Hơn nữa, việc nắm rõ nghệ thuật bài thơ/văn giúp thí sinh phát triển nội dung tốt hơn.
Điều quan trọng là phân bổ thời gian làm bài một cách hợp lý. Do vậy, thí sinh nên nhóm các câu thơ, câu văn trong cùng một luận điểm để phân tích và bám sát vào vấn đề nghị luận, tránh lan man, dài dòng và đưa quá nhiều nhận định văn học vào bài viết.
Khi bước vào phần thi, thí sinh nên mang vào phòng thi những cây bút quen thuộc, nhẹ, êm tay giúp tăng tốc độ viết.
(Đỗ Hoàng Nam – sinh viên ngành quan hệ quốc tế, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, từng đạt 9,5 và 9,75 điểm môn ngữ văn hai kỳ thi tốt nghiệp THPT liên tiếp 2021 và 2022)
Môn toán: tranh thủ ôn công thức cơ bản
Trong những ngày cuối, mình thường dành thời gian luyện tập đề thi thật từ các năm trước và đề thi thử từ các trường, sở để có thể làm quen với cấu trúc thực tế.
Bên cạnh đó, mình cũng tranh thủ ôn tập lại những công thức cơ bản, công thức giải nhanh để áp dụng trong một số bài toán. Mình không luyện đề khó hay học chuyên đề trong những ngày này nữa mà dành thời gian nghỉ ngơi, để đầu óc thoải mái và thư giãn.
Khi vào phòng thi, mình cố gắng làm xong 40 câu đầu trong 20 phút và dành 10 phút kiểm tra lại trước khi làm 10 câu cuối, tức tổng thời gian để đạt mức 8 điểm là 30 phút.
Những câu cuối thường là các câu hỏi khó và cần dùng tư duy bản chất nhiều. Vì vậy, mình thường đọc đề nhiều lần và khai thác các dữ liệu đề ra, dần dần bài toán sẽ trở về những dạng quen thuộc và có thể giải quyết được.
(Nguyễn Hồng Nhung – á khoa khối A00 toàn quốc năm 2023, từng đạt điểm 9,8 môn toán, thủ khoa đầu vào Trường đại học Ngoại Thương)
Môn tiếng Anh: làm đề “chuẩn”
Mình tạo thói quen giải từ 1-2 đề trong những ngày “nước rút”, đặc biệt là các đề thi thử “chuẩn” từ các sở, trường hay giáo viên uy tín, cả năm nay và những năm trước.
Thời gian còn lại mình tập trung ôn Idioms trong quyển Oxford Word Skills, mức độ Intermediate (Trung bình) và Advanced (Nâng cao), ôn thêm từ đa nghĩa – những câu mình cho là đưa ra để đánh đố thí sinh, nhằm hạn chế điểm 10.
Mình thấy đề môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT không quá dài, phức tạp hay đòi hỏi nhiều kỹ năng giống các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC. Vì vậy, nếu muốn điểm cao, thí sinh cần kiến thức học thuật thực sự chắc.
(Nguyễn Tuấn Định – sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Học viện Hàng không Việt Nam, từng đạt điểm 10 môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022)
Bài thi khoa học xã hội: tránh “hoảng” nếu gặp câu hỏi lạ
Bí quyết để đạt điểm cao các môn xã hội là ôn kỹ sách giáo khoa, đọc nhiều và nắm vững kiến thức. Ngoài ra, những ngày gần thi, mình kiếm thêm nhiều đề ở các tỉnh phía Bắc để giải thêm. Những ngày gần thi trừ thời gian ăn, ngủ thì mình đều giải đề. Mình cố gắng giữ cho tâm thế thật ổn định, không tự ti hay tự tin quá mức.
(Lê Hữu Đang – thủ khoa Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2023, 10 điểm lịch sử, 9,75 điểm địa lý)
* Đối với các môn sử, địa, giáo dục công dân, mình chuẩn bị khá kỹ kiến thức ở nhà, đọc kỹ sách giáo khoa và xem các thầy cô giải một số đề thi. Với môn lịch sử, mình chú ý mốc thời gian, các chiến dịch. Phần dễ nhầm lẫn nhất là nội dung về cương lĩnh chính trị và luận cương chính trị.
Những câu cuối môn giáo dục công dân thường khá dài nên thí sinh có thể đọc câu hỏi trước, để khi đọc nội dung đề mình dễ nắm bắt trọng tâm hơn.
Vào phòng thi nếu gặp các câu hỏi lạ, điều đầu tiên phải bình tĩnh đọc đề, không được hoảng, dùng các kiến thức liên quan để phân tích rồi từ từ tìm ra vấn đề.
(Trương Nhựt Tân – sinh viên năm 2 Trường đại học Luật TP.HCM, từng đạt 9,5 điểm môn lịch sử và 9 điểm môn giáo dục công dân, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022)
Bài thi khoa học tự nhiên: làm nhanh, làm chắc
Khoảng 2 ngày cuối trước thi, mình chỉ coi lại lý thuyết và bài tập đã từng làm, đi ngủ sớm để chuẩn bị sức khỏe thật tốt cho kỳ thi.
Khi làm bài thi, mình thường ưu tiên đọc hết đề, gạch chân những điều kiện, thông tin đề cho và một số ý đặc biệt mà đề bài cung cấp để tránh sót ý. Làm đến đâu, tô trắc nghiệm đến đó.
Trong quá trình làm những câu nhận biết, thông hiểu nếu có câu nào phân vân thì bỏ qua, làm tiếp câu khác. Khi tới nhóm những câu vận dụng cao, mình sẽ quay về làm những câu phân vân, sau đó giải quyết lần lượt câu khó.
Đặc biệt, các câu dễ phải làm thật nhanh và chính xác thì mới đủ thời gian xử lý các câu khó hơn. Không quá cẩn thận câu dễ, dò đi dò lại khiến mình bị mất thời gian không đáng.
Đối với môn lý, khi gặp câu khó, cần bình tĩnh, viết nháp ra, vẽ hình nếu cần thiết, và làm như các phần cơ, điện, dao động, sóng ánh sáng… Với hóa thì cần tóm tắt đề bài với những câu hữu cơ, vô cơ vận dụng cao để nhìn hướng các chất tương tác với nhau, dễ dàng xử lý hơn.
(Phạm Tuấn Khang – thủ khoa đầu vào Trường đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2023)
* Mình nghĩ trước tiên cần phải có phương pháp quản lý thời gian làm bài hiệu quả, cho nên khi làm phần cơ bản, mình sẽ đọc và hoàn thành nhanh nhất có thể để có thời gian giải quyết những câu có mức độ khó hơn.
Đồng thời tối ưu tốc độ bấm máy tính, các mẹo bấm máy (nếu có) để có thể xử lý nhanh hơn. Thứ hai là phải đọc kỹ đề và làm bài cẩn thận.
Chẳng hạn với bài thi lý, khi làm xong phần cơ bản, mình sẽ tô luôn vào giấy trắc nghiệm để không phải lăn tăn lúc cuối giờ, tầm 15 phút cuối mình sẽ xem lại các câu cơ bản, chủ yếu là đọc kỹ lại đề vì mình nghĩ tính toán đơn giản thường sẽ ít sai.
Khi làm phần vận dụng cao, mình sẽ chọn làm từ dễ đến khó để tạo tâm lý thoải mái và tự tin, ra kết quả thì mình sẽ tô vào phiếu trắc nghiệm ngay, phần này chủ yếu sẽ dựa vào nội lực của mỗi bạn.
(Vũ Hoàng Lương Huy, thủ khoa toàn quốc khối A01 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023)
Cân bằng tâm lý trước ngày thi
Để cân bằng lại cảm xúc lo lắng trong mùa thi, mình thường viết nhật ký, viết rõ ra những nỗi sợ của bản thân và phân tích lý do của sự sợ hãi đó để tự động viên bản thân.
Vào ngày thi, mình thức dậy sớm và chuẩn bị tươm tất, dành một chút thời gian ngồi thiền để bản thân bình tĩnh hơn.
Trong phòng thi, mình hạn chế nói chuyện với người khác để tâm lý không bị lung lay trước nỗi sợ của người ngoài.
(Phan Minh Quân – sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, thủ khoa khối C năm 2024)
Nguồn: https://tuoitre.vn/cao-thu-chia-se-bi-quyet-thi-diem-cao-20240626080107568.htm