Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) liên tục tăng tại thị xã La Gi. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, UBND thị xã La Gi đã phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh SXH tại 9/9 xã, phường…
Tính đến ngày 10/11, trên địa bàn thị xã đã ghi nhận 575 trường hợp mắc SXH, so cùng kỳ năm 2021 tăng 95,48%. Đáng chú ý chỉ trong 5 ngày (từ 31/10 đến 4/11), toàn thị xã đã ghi nhận thêm 4 ổ dịch mới phát sinh tại 4 xã, phường với 29 ca mắc. Riêng phường Phước Lộc đặc thù là phường ven biển, nhiều khu phố mật độ dân cư khá dày, do đó số bệnh nhân mắc SXH ở mức cao với 2 ổ dịch có 50 ca mắc.
Bà Đặng Thị Hồng Lâm – Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết: Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp, từ ngày 15 – 30/11, UBND thị xã phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống SXH tại 9/9 xã, phường. Trước đây công tác vệ sinh môi trường tại một số xã, phường chưa được chú trọng, một số người dân vẫn còn thói quen vứt rác bừa bãi không những làm ô nhiễm môi trường mà còn gây nước đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy, lăng quăng phát triển. Vấn đề đặt ra là phải duy trì môi trường sạch, hợp vệ sinh để dịch bệnh không có điều kiện sinh sôi, phát triển. Chính vì vậy, UBND thị xã triển khai chiến dịch để đưa các hoạt động phòng, chống bệnh SXH đến tận hộ gia đình, tuyên truyền vận động cộng đồng, thực hiện các biện pháp loại trừ lăng quăng với khẩu hiệu hành động là “Không có lăng quăng, không có muỗi, không có SXH”. Đồng thời, tạo ra phong trào vệ sinh môi trường trong cộng đồng nhân dân nhằm làm giảm mật độ côn trùng (lăng quăng, muỗi) trong thời gian ngắn nhất để giảm bớt sự lan truyền bệnh dịch, khống chế không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn thị xã La Gi.
Đặc biệt, không để phát sinh các ổ dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường thành lập các tổ xung kích diệt lăng quăng có nhiệm vụ đến các hộ gia đình trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ năng xử lý dọn dẹp các vật dụng chứa nước xung quanh nhà, các dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước, các vật dụng có lăng quăng, bọ gậy… hàng tuần phải súc rửa các vật dụng chứa nước, các lọ hoa…; giám sát công tác diệt lăng quăng của từng hộ gia đình. Đồng thời, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, người dân phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường tại các công viên, nhà dân vắng chủ, nơi công cộng. Ra quân quét dọn, tổng vệ sinh, cắt tỉa cây cối, thu gom và vận chuyển rác thải đến nơi quy định. Đồng thời hướng dẫn người dân dọn dẹp các vật dụng chứa nước xung quanh nhà…
Ngoài ra, UBND thị xã đã chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trên hệ thống truyền thanh không dây về chiến dịch để người dân biết, tham gia làm sạch môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại nơi cư trú. Yêu cầu người dân duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. UBND thị xã sẽ xử lý theo quy định đối với các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị không chấp hành các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
“UBND thị xã đã chỉ đạo Trung tâm Y tế xây dựng nội dung các thông điệp truyền thông về các chiến dịch vệ sinh môi trường, phương pháp và tầm quan trọng của vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng đối với công tác phòng, chống dịch SXH. Thông qua chiến dịch sẽ góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH một cách hiệu quả nhất” – bà Lâm cho biết thêm.