Các chính sách, chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo tồn văn hóa tại tỉnh Cao Bằng đang mang lại những kết quả tích cực. Những nỗ lực trong việc cải thiện điều kiện sống, hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo và phát triển du lịch cộng đồng không chỉ nâng cao đời sống của người dân mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.
Giữ nghề, giữ lửa nghệ thuật in hoa văn sáp ong của người Dao Tiền
|
Làng đá Khuổi Ky: Điểm sáng du lịch cộng đồng tại Cao Bằng
|
Ông Phạm Xuân Tùng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng:
Thành công trong xóa nhà tạm và hỗ trợ sản xuất
Ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: VTCNews) |
Hà Quảng là một huyện biên giới nghèo của tỉnh Cao Bằng với địa bàn rộng, đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, huyện đã triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm và nhà dột nát.
Năm 2020, với sự hỗ trợ 35 tỷ đồng từ Bộ Công an và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, huyện đã giúp 826 hộ nghèo có nhà ở ổn định hơn. Từ đó, tỉnh Cao Bằng đã nhân rộng mô hình này, xây dựng Đề án xóa nhà tạm cho hộ nghèo trên toàn tỉnh. Tính đến nay, Hà Quảng đã xóa được 1.526 nhà tạm, giải ngân gần 68 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện sẽ hỗ trợ thêm 1.003 hộ với ngân sách trên 45 tỷ đồng.
Nhờ vào các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, 100% xã trong huyện hiện có đường ô tô đến trung tâm xóm, 97% cụm xóm có điện lưới quốc gia và gần 100% trung tâm xóm được tiếp cận sóng truyền thông. Hệ thống hồ vải địa kỹ thuật và kênh dẫn nước đã cung cấp đủ nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho bà con. Những nỗ lực này đã tạo sinh kế và thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu biến Hà Quảng thành huyện thoát nghèo vào năm 2025.
Với sự hỗ trợ của chính quyền và nhà hảo tâm, gia đình anh Lý Văn Nó (dân tộc Mông, ở xóm Sỹ Điêng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) có nhà mới vững chãi. (Ảnh: Đức Yên) |
Ông Ma Thế Sỹ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng:
Tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo và phát triển kinh tế
Việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các chính sách hỗ trợ đã giúp xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu hình thành hai điểm sinh hoạt tôn giáo cho các cộng đồng dân tộc Mông và Dao, với tổng cộng hơn 500 tín đồ.
Bà con tín đồ sinh hoạt tôn giáo tập trung tại điểm nhóm Tin lành người Mông xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Quang Minh) |
Những điểm sinh hoạt tôn giáo này đã giúp người dân đoàn kết hơn và tập trung phát triển kinh tế, đặc biệt trong chăn nuôi và trồng trọt. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ cây giống, con giống và cải thiện đường giao thông. Thị trấn cũng đã triển khai mô hình điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự tại xóm Nà Ca, nhằm tăng cường sự đoàn kết và nắm vững quy định pháp luật.
Gần đây, với sự giúp đỡ của Công an tỉnh Cao Bằng, 40 đèn chiếu sáng trị giá 80 triệu đồng đã được lắp đặt tại xóm Nà Ca và các khu vực khác để cải thiện điều kiện đi lại vào ban đêm. Sau khi đánh giá hiệu quả, chính quyền sẽ xem xét mở rộng mô hình này ra các xóm khó khăn khác.
Bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng:
Khai thác văn hóa dân tộc để phát triển du lịch bền vững
Tỉnh Cao Bằng, với hơn 95% dân số là các dân tộc thiểu số, đang tích cực triển khai các chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống kết hợp với phát triển du lịch. Sở đã thực hiện nhiều dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2030. Những dự án này không chỉ nghiên cứu mà còn ứng dụng thực tiễn, tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển du lịch bền vững.
Khách du lịch trải nghiệm kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong tại xóm Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). (Ảnh: Nhật Anh) |
Một mô hình nổi bật là du lịch cộng đồng tại làng Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình), nơi cư trú chủ yếu của người Dao Tiền. Sở đã hỗ trợ tu bổ cơ sở hạ tầng, đào tạo kỹ năng tiếp đón khách và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hoài Khao đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, bao gồm trải nghiệm văn hóa và các địa điểm tham quan, mua sắm sản phẩm địa phương. Đây là điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh.
Tỉnh Cao Bằng dự định mở rộng mô hình du lịch cộng đồng ra nhiều địa phương khác và tăng cường tuyên truyền quảng bá. Tới nay, tỉnh đã xây dựng 7 làng du lịch cộng đồng và sẽ tiếp tục phát triển thêm mô hình tương tự để nâng cao chất lượng dịch vụ và kết nối với du khách.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/cao-bang-nang-cao-doi-song-va-bao-ton-van-hoa-qua-chinh-sach-doi-moi-202588.html