Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ: Những động thái mới nhất Giá lúa gạo hôm nay ngày 3/8: Giá lúa tăng 100 đồng/kg, giá gạo giảm 50 – 150 đồng/kg |
Xuất khẩu gạo tăng 25,1% về lượng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo thu về 3,27 tỷ USD trong 7 tháng |
7 tháng đầu năm, diện tích giao cấy lúa đạt 6,25 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,82 triệu ha, tăng 1,3%; năng suất bình quân 65,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng lúa trên diện tích thu hoạch đạt 25 triệu tấn, tăng 2%.
Thị trường lúa gạo trong nước ngày 3/8/2024 ghi nhận tại các địa phương giao dịch cầm chừng. Cụ thể, tại Cần Thơ, giá lúa Thu Đông nhu cầu hỏi mua khá, giao dịch ổn định. Tại Long An, nhu cầu hỏi mua lúa khá, chất lượng lúa đẹp. Tại An Giang giao dịch lúa mới chậm lại do lúa cọc sẵn còn ít, giá neo cao.
Giá lúa IR 50 404 giá dao động quanh mốc 6.900 – 7.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức giá 7.400 – 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 giá ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 7.400 – 7.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động từ 6.800 – 7.000 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc ở mốc 7.800 – 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.900 – 7.000 đồng/kg, và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 11.100 – 11.250 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 xuống mức 13.300 – 13.400 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận không có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo tiêu chuẩn 5% tấm giữ vững ở mức 559 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 535 USD/tấn.
So với thời điểm cách đây 1 năm – thời điểm thị trường gạo sôi động do tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ – giá lúa gạo hiện tại cũng ở mức tương ứng. Thị trường lúa gạo gần như thiết lập một mặt bằng giá mới.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu so với thời điểm cách đây 1 năm ghi nhận mức độ giảm nhẹ. Cụ thể, ngày 3/8/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 593 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 573 USD/tấn.
Thị trường vẫn rất thận trọng đợi chính sách từ Ấn Độ
Trong báo cáo triển vọng ngành lúa gạo tháng 7/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2024 thêm 500.000 tấn, lên mức 55,3 triệu tấn và năm 2025 cũng ở mức cao, là 54,3 triệu tấn.
Còn báo cáo thị trường ngũ cốc tháng 7/2024 của Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC), đơn vị này đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu niên vụ 2024/2025 ở mức 53 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo được ICG đưa ra trước đó.
Thương mại gạo thế giới được dự báo tiếp tục tăng cao. Điều này sẽ tác động đến thị trường lúa gạo Việt Nam. Dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn đang nghe ngóng chính sách từ Ấn Độ đối với lệnh cấm xuất khẩu gạo. Mọi quyết định mua/bán được doanh nghiệp đưa ra ở thời điểm hiện tại đều rất thận trọng.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mặc dù nhu cầu thị trường có, nhưng các hợp đồng ký mới ở thời điểm hiện tại vẫn khá dè dặt. Không những vậy, các doanh nghiệp cũng đối diện với tình trạng một số đối tác hỏi mua với mục đích để… “dò giá”.
Hiện Ấn Độ đang xuất khẩu hơn 40% tổng lượng lúa gạo của toàn cầu. Nếu Ấn Độ cởi bỏ hoặc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ “kéo” giá gạo của các quốc gia xuất khẩu chính trên thế giới xuống mức khá thấp, trong đó có Việt Nam
Người mua chờ, người bán đợi khiến thị trường gạo xuất khẩu lúc này tưởng chừng như khá yên ắng. Theo đó, gạo Việt Nam được chào bán với loại 5% tấm (giá FOB) ở thời điểm hiện tại chỉ khoảng 559 – 563 USD/tấn; Thái Lan là 566 – 570 USD/tấn; Pakistan và Myanmar lần lượt ở mức 574 – 578 và 565-569 USD/tấn, mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2023 đến nay.
Trong khi câu chuyện thị trường xuất khẩu đang “nằm chờ”, đợi động thái từ Ấn Độ thì các doanh nghiệp xuất khẩu còn đối mặt với khó khăn trong thu mua lúa gạo tại thị trường trong nước khi giá lúa giảm, các nhà kho hạn chế xay xát cung ứng ra thị trường cũng như mưa làm trì hoãn việc thu hoạch lúa hè thu.
Việc ký hợp đồng xuất khẩu xong mới đi thu mua lúa tại thị trường trong nước lúc này được nhận định là khá rủi ro. Các chuyên gia trong ngành khuyến nghị, doanh nghiệp nên tập trung thu mua lúa hè thu để có lượng hàng tồn kho rồi mới ký hợp đồng. Rõ ràng, mọi quyết định ở thời điểm hiện tại của doanh nghiệp trong bối cảnh diễn biến thị trường hiện nay được ví như “đánh bạc”.
Trong bối cảnh hiện này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị các thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu, theo dõi sát thị trường gạo thế giới và trong nước, có tính toán thận trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho gạo Việt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, vụ lúa gạo lớn nhất trong năm của Việt Nam đã qua, xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm, giá gạo Việt Nam khó có thể xuống sâu hơn, kể cả Ấn Độ quay lại. Bởi nhu cầu tại nhiều thị trường vẫn đang tăng.
Tại Philippines, dự báo lượng nhập khẩu gạo có thể đạt tới 4,5 triệu tấn trong năm 2024, cao hơn con số dự báo trước đây. Việt Nam hiện chiếm tới 85% thị phần gạo nhập khẩu tại đây. Indonesia dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong năm 2024, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Vụ hè thu, với năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha, sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi và Trung Đông để tận dụng cơ hội từ nhu cầu ngày càng tăng. Dự kiến, sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD như mục tiêu đã đặt ra.