07/02/2025 - 09:48

Ngành Du lịch hướng đến phát triển xanh và bền vững 

Xu hướng du lịch toàn cầu năm 2025 được xác định hướng đến yếu tố bền vững, chăm sóc sức khỏe, du lịch gia đình đa thế hệ, du lịch đêm… Để bắt kịp xu hướng này, ngành Du lịch Việt Nam đã đẩy mạnh xu hướng xanh, bền vững từ nhiều năm qua.

Hero House Núi Chúa, nơi ở và làm việc của các tình nguyện viên và chuyên gia trong quá trình bảo tồn rùa biển tại VQG Núi Chúa. Ảnh: KIỀU MAI

Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm nay đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm, đóng góp trực tiếp 8-9% GDP. Chỉ tiêu này cao gấp 1,5 lần mục tiêu năm 2024, song các chuyên gia tin rằng Việt Nam có thể đạt được nếu có những định hướng, giải pháp khai thác các tiềm năng du lịch gắn với phát triển bền vững, hiệu quả. 

Thực tế, trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong các hoạt động du lịch xanh. Theo các chuyên gia, trong năm nay, dự kiến có 3 loại hình du lịch sẽ thu hút khách ở Việt Nam, đó là: du lịch xanh, du lịch đêm và du lịch di sản.

Du lịch xanh và bền vững phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Các điểm đến đã chú trọng xây dựng các chương trình trải nghiệm xanh, gắn kết và bảo vệ môi trường dành cho du khách. Trong đó nổi bật là tại Quảng Nam, một trong những địa phương tiên phong ban hành và triển khai áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho 6 mô hình: khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng. Đến nay đã có 25 doanh nghiệp du lịch thuộc lĩnh vực lưu trú, điểm tham quan, doanh nghiệp lữ hành đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp quyết định công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh. Tại đây cũng có nhiều chương trình trải nghiệm du lịch xanh độc đáo, các tour chèo thuyền kết hợp thu gom rác, trồng cây…

Thời gian qua, các tour trải nghiệm bảo tồn rùa ở Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), VQG Núi Chúa (Ninh Thuận), hành trình nuôi cấy bảo vệ san hô ở Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), cù lao Chàm (Quảng Nam)… cũng thu hút đông đảo du khách. Tại Cần Thơ, du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường cũng được nhiều đơn vị, như Mekong Silt Ecolodge, Victoria Can Tho Resort… áp dụng trong các hoạt động trải nghiệm của du khách. Cụ thể, tại Mekong Silt Ecolodge, du khách có thể cùng tham gia các workshop về làm xà phòng hữu cơ, bữa ăn bền vững…

Trong khi đó, du lịch di sản cũng tạo nhiều dấu ấn trong khoảng 2 năm gần đây, nhất là ở các địa phương nổi bật về di sản, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh… Bên cạnh các lễ hội văn hóa đặc trưng, các điểm đến đang có sự đổi mới trong cách khai thác và xây dựng sản phẩm du lịch từ di sản. Các chương trình trình diễn được đầu tư ấn tượng, kết hợp công nghệ hiện đại gần gũi du khách hơn, như Ký ức Hội An (Quảng Nam), Huyền thoại làng Chài (Bình Thuận), Tinh hoa Việt Nam (Phú Quốc, Kiên Giang), Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội)…

Gắn liền với du lịch di sản, du lịch đêm cũng trở thành xu hướng phát triển. Các tour đêm khám phá di sản được ứng dụng hiệu quả ở Hà Nội, như Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Đêm thiêng liêng tại nhà tù Hỏa Lò, Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Ngoài ra, du lịch đêm còn phát triển với những hành trình khám phá về đêm ở các tuyến phố đi bộ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ…; hay các trải nghiệm xuyên rừng ngắm thú đêm ở VQG Cúc Phương, VQG Nam Cát Tiên, VQG Bù Gia Mập, Phú Quốc…

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết