11/12/2024 - 09:29

Việt Nam - Hà Lan “hợp sức” thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững tại ĐBSCL 

Với lợi thế tự nhiên từ hệ thống sông ngòi và vùng đồng bằng rộng lớn, ÐBSCL là trung tâm nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh các lợi thế, ngành nuôi trồng thủy sản của ÐBSCL cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, yêu cầu khắt khe từ thị trường… Bối cảnh này đòi hỏi ngành Thủy sản nước ta phải có những giải pháp linh hoạt để ứng phó, trong đó vấn đề hợp tác quốc tế để phát triển bền vững đang được quan tâm đẩy mạnh.

Thu hoạch cá tra phục vụ xuất khẩu tại TP Cần Thơ.

Tại diễn đàn doanh nghiệp “Việt Nam và Hà Lan - hợp tác triển khai giải pháp thực tiễn cho nuôi trồng thủy sản bền vững khu vực ÐBSCL” mới đây, các chuyên gia cho rằng, áp lực ngày càng tăng đối với tài nguyên toàn cầu và biến đổi khí hậu nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác quốc tế. Việt Nam và Hà Lan đều là những quốc gia tìm kiếm những ý tưởng và ứng dụng vào thực tế để giải quyết những thách thức toàn cầu, hướng tới một tương lai bền vững.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước là 1,3 triệu héc-ta, riêng vùng ÐBSCL chiếm đến 70% diện tích nuôi của cả nước. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, trong đó, vùng ÐBSCL chiếm tới 61,8% sản lượng cả nước. Về kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm qua cả nước đạt 9,2 tỉ USD; trong đó, vùng ÐBSCL chiếm tới 57,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Tính đến hết tháng 10-2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta ước đạt 8,2 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỉ USD, tăng 13%; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao, áp lực môi trường và quản lý nước, biến đổi khí hậu... Ðể vượt qua thách thức, vấn đề hợp tác, liên kết để sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, quản lý trang trại và ứng dụng công nghệ vô cùng cần thiết. Trong đó, quan hệ đối tác công - tư là công cụ phù hợp để triển khai các công nghệ mới nhằm giúp các hộ nuôi, doanh nghiệp có thể sản xuất bền vững, tăng tính cạnh tranh. Các đối tác khối tư nhân có khả năng và sẵn sàng cung cấp khoản đầu tư và kiến thức chuyên môn cần thiết nếu có các cơ chế khuyến khích và chia sẻ rủi ro phù hợp. Về phía chính quyền hỗ trợ bổ sung các thủ tục hành chính và cơ chế pháp lý cần thiết để áp dụng công nghệ phù hợp điều kiện địa phương. Ðặc biệt, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở Việt Nam, cần xây dựng cách thức hợp tác, thương mại và đầu tư tích hợp (tổ hợp combi-track) cho hệ thống thực phẩm và chuỗi giá trị thủy sản thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự, Lãnh sự quán Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh, Hà Lan và ÐBSCL đều là những vùng đồng bằng dễ bị tổn thương với những thách thức tương đồng. Việt Nam và Hà Lan đã có quá trình hợp tác lâu dài tại ÐBSCL. Hà Lan cam kết đóng góp vào quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững nơi đây. Với mạng lưới, kiến thức và kỹ năng rộng khắp về nông nghiệp bền vững, Hà Lan có nền tảng vững chắc để phát triển nền kinh tế nuôi trồng thủy sản từ rất sớm. Bằng việc chia sẻ kiến thức chuyên môn và công nghệ Hà Lan với Việt Nam trong chuỗi nông nghiệp, cả hai nước có thể tiếp tục tìm ra các giải pháp tích hợp thông minh nhằm thúc đẩy hệ thống phát triển bền vững, hoạt động thuận tiện và hiệu quả hơn. Chương trình combi-track với phương thức tiếp cận tích hợp hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ÐBSCL, tập trung vào các hành động cụ thể để phát triển bền vững, tạo việc làm, cải thiện chất lượng nước, giảm lượng khí thải CO2 và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu.

Ông Phùng Ðức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Việt Nam và Hà Lan có hơn 1 thập kỷ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản. Hà Lan là quốc gia có thế mạnh trong nghiên cứu dinh dưỡng, quản lý hợp tác xã, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản… Ðây là lĩnh vực mà các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để phát triển. Diễn đàn hôm nay, với sự tham gia của các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, viện trường và đối tác từ cả 2 quốc gia Việt Nam và Hà Lan là cơ hội để các bên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các ý tưởng dự án hợp tác và đề xuất những giải pháp mang tính thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của vùng ÐBSCL.

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về Phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thủy sản - cây ăn trái - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực. Ðồng thời định hướng “xây dựng ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, có quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao và bền vững” thông qua các giải pháp về cơ cấu sản xuất (gắn trọng tâm sản xuất với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản là sản phẩm chủ lực); nhân tố sản xuất (nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống thủy sản tiềm năng, lợi thế của vùng ÐBSCL) và khoa học công nghệ (cơ giới hóa, phát triển công nghệ sau thu hoạch để giảm tỷ lệ tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất)…

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, đại diện Cục Thủy sản, Quyết định số 3550/QÐ-BNN-TCTS phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ÐBSCL đến năm 2030 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trên 4%/năm; giá trị xuất khẩu đạt trên 9 tỉ USD. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 990.000ha, sản lượng đạt trên 4,8 triệu tấn. Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản được sản xuất theo mô hình hợp tác và liên kết chuỗi đạt trên 30%, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt một trong các chứng nhận GAP, hữu cơ và các chứng nhận chất lượng khác trên 20%. Dựa trên mục tiêu đặt ra, Việt Nam và Hà Lan có thể hợp tác thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững ở các nội dung: hỗ trợ quản lý nguồn nước, mô hình kinh tế tuần hoàn; chuyển giao công nghệ tiên tiến (ứng dụng IoT và AI), chương trình chọn giống; đào tạo và nâng cao năng lực, phát triển thị trường và thương mại; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...

Như vậy, với những định hướng, lộ trình phát triển ngành Thủy sản từ Chính phủ, bộ ngành và sự quan tâm liên kết, hợp tác quốc tế, ngành Thủy sản ÐBSCL kỳ vọng phát triển đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và ngày khẳng định vị thế khi vươn ra biển lớn.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết