27/12/2024 - 08:47

Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh phía Tây vùng ÐBSCL

Phát huy nội lực thu hút du khách 

Năm 2024, Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh phía Tây vùng ÐBSCL (Cụm phía Tây) đạt nhiều kết quả tích cực trong hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết hợp tác vùng. Các tỉnh, thành từng bước phát huy nội lực để thu hút du khách.

Du khách tham quan tại cầu đi bộ, Bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI

Cụm phía Tây gồm 7 tỉnh, thành: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong năm 2024, Cụm phía Tây đón hơn 35,8 triệu lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế có hơn 1,4 triệu lượt, tăng 50,9%. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 51.000 tỉ đồng, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cho thấy sự gia tăng mạnh về khách quốc tế và doanh thu. Các tỉnh, thành đã từng bước phát huy nội lực, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, xây dựng nhiều nội dung hợp tác thiết thực.

Theo báo cáo từ Sở Du lịch Kiên Giang, năm 2024 tỉnh đón hơn 9,8 triệu lượt khách, tăng hơn 15% so với cùng kỳ, tổng doanh thu đạt trên 25.000 tỉ đồng, tăng gần 44%. Trong đó, khách quốc tế có hơn 978.785 lượt, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đa dạng các địa hình từ đồng bằng, rừng núi đến biển và hải đảo, Kiên Giang phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Cụ thể, Kiên Giang có các vùng du lịch trọng điểm: TP Rạch Giá và vùng phụ cận phát triển du lịch sinh thái, biển đảo, di tích lịch sử, lễ hội; Hà Tiên - Kiên Lương phát triển du lịch biển đảo, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; U Minh Thượng phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử; Phú Quốc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vụ quốc tế chất lượng cao của khu vực và thế giới; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nghiên cứu khoa học.

Năm 2024, An Giang đón khoảng 9,1 triệu lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 10.250 tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Những năm qua, An Giang có nhiều bứt phá trong xây dựng sản phẩm du lịch, nổi bật là nhiều khu du lịch trọng điểm đều được nâng cấp, đầu tư mới và mở rộng tạo nên sức hút với du khách, như Khu du lịch quốc gia núi Sam, Khu du lịch núi Cấm, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, điểm du lịch Cồn Én, điểm du lịch đồi Tức Dụp, làng Chăm Châu Phong… Đặc biệt, trong năm 2024, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cũng góp phần tạo nên dấu ấn cho du lịch An Giang.

Trong khi đó, Cần Thơ giữ vai trò trung tâm với thế mạnh về du lịch MICE và du lịch sông nước. Cần Thơ hiện có hơn 640 cơ sở lưu trú, 11.000 phòng, trên 70 doanh nghiệp hoạt động lữ hành, nổi bật với nhiều điểm đến đặc trưng sông nước, sinh thái thu hút du khách như chợ nổi Cái Răng, cụm du lịch Bến Ninh Kiều, Cantho Eco Resort, cồn Sơn… Năm 2024, Cần Thơ đón khoảng 6,3 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 6.226 tỉ đồng. Trong những năm qua, Cần Thơ đang trở thành điểm đến với nhiều lễ hội vùng: Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL tại TP Cần Thơ...

Các tỉnh, thành phía Tây ĐBSCL dần nâng chất trong xây dựng sản phẩm du lịch, nhất là chú trọng xây dựng các sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng: Hậu Giang phát huy thế mạnh lúa gạo, khai thác các sản phẩm gắn với con đường lúa gạo dọc kênh xáng Xà No; Cà Mau phát huy giá trị sinh thái rừng trong xây dựng hệ thống sản phẩm… Theo đó, trong danh sách 50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2024, Cụm phía Tây có 23 điểm đến được công nhận.

Với hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng và đa dạng, Cụm phía Tây cũng từng bước tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch một cách hiệu quả. Các tỉnh, thành cùng tham gia quảng bá với thương hiệu chung Cụm phía Tây tại nhiều sự kiện: Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2024, Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh - ITE HCMC 2024, trưng bày hình ảnh, sản phẩm du lịch của các địa phương tại Lễ hội Hoa Ban năm 2024 trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên, Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh năm 2024… Đồng thời, các tỉnh, thành phía Tây ĐBSCL cũng phối hợp tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Lan; khảo sát và thúc đẩy hợp tác du lịch với Tuyên Quang, Phú Thọ, Campuchia, Thái Lan… qua đó đã xúc tiến, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật trong Cụm hợp tác.

Ngoài ra, Cụm phía Tây cũng thường xuyên hỗ trợ, quảng bá du lịch của các địa phương; thực hiện liên kết website du lịch của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL; thực hiện quảng bá điểm đến du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên nền tảng ứng dụng du lịch thông minh… Các tỉnh, thành trong Cụm cũng tạo điều kiện kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng liên tuyến sản phẩm mới tạo sức cạnh tranh trên thị trường và thu hút du khách, góp phần tạo ra liên kết vùng chặt chẽ, thúc đẩy phát triển bền vững. Nhờ đó, các tỉnh, thành từng bước hình thành nhiều cụm liên kết hợp tác với nhau, như Cần Thơ - Hậu Giang, An Giang - Cần Thơ… nổi bật với 55 tuyến du lịch đường sông liên kết ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy thế mạnh du lịch đường sông đặc thù của vùng ĐBSCL.

Trong định hướng năm 2025, Cụm phía Tây ĐBSCL và Cụm phía Đông ĐBSCL (Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre) sẽ sáp nhập trong Liên kết hợp tác 14 tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, các hoạt động liên kết và xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch… được chú trọng nâng chất, làm mới theo hướng chuyên nghiệp hơn, từng bước định vị lại thương hiệu du lịch vùng, tạo động lực cho sự phát triển chung của du lịch 14 tỉnh, thành, phát huy nội lực du lịch sông nước đặc trưng của vùng Nam Bộ.

ÁI LAM

 

Chia sẻ bài viết