Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ÐBSCL là vùng đất có tiềm năng đa dạng và phong phú, nhưng đối mặt với nhiều thách thức lớn từ BÐKH. Thống kê cho thấy, các loại hình thiên tai thường xảy ra ở ÐBSCL là hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; giông lốc, sét... Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp...
Đến mùa khô thì nhiều nơi ở ĐBSCL tổ chức điểm hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng khó khăn.
Xây hồ chứa nước
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau nhìn nhận, vào mùa mưa, tỉnh có lượng mưa đến 2.400mm cao nhất ÐBSCL, nhưng vào mùa khô cũng là nơi chịu khô hạn bậc nhất; từ đó xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng ở nhiều nơi trong tỉnh. Ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) cho hay, dựa trên cơ sở về điều kiện ENSO, diễn biến mưa trái mùa, nguồn nước cho thấy năm 2024 hồ chứa thủy điện thượng lưu đã tích được khoảng 88% tổng dung tích hữu ích. Trong đó, các hồ trên sông Lan Thương (Trung Quốc) tích 94%, các hồ ở hạ lưu vực sông Mekong tích trữ ở mức khoảng 74%. Dự kiến đầu mùa khô năm 2024-2025, dung tích hữu ích duy trì ở mức 70-80%… Theo nhận định, nguy cơ xuất hiện hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 ở ÐBSCL có thể xảy ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm… Phía Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng dự đoán, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m; xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 tới đây ở ÐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020.
Trước tình hình trên, mới đây tỉnh Trà Vinh triển khai dự án hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé (huyện Càng Long), với tổng vốn đầu tư của giai đoạn 1 khoảng 1.330 tỉ đồng. Lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, khi hồ chứa nước ngọt hoàn thành sẽ có sức chứa hơn 10 triệu mét khối nước ngọt, vừa đảm bảo an ninh nguồn nước, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ cho người dân ở huyện Châu Thành, Càng Long và TP Trà Vinh. Hồ này còn góp phần phòng, chống xâm nhập mặn, triều cường, ngăn ngập úng và hạn chế sạt lở…
Tại Cà Mau, hồ chứa nước ngọt Khánh An (huyện U Minh) cơ bản hoàn tất nhằm trữ nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô 2024-2025. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hồ Khánh An được xây dựng trên diện tích 102ha, dung tích 3,85 triệu mét khối nước, kinh phí hơn 248 tỉ đồng. Dự kiến cung cấp nước sạch cho hơn 113.000 hộ dân tại các huyện U Minh và Trần Văn Thời; đồng thời phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng; hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm, tránh lún sụt đất. Trong tương lai, hồ này còn có khả năng tiếp nước ngọt từ sông Hậu dẫn về phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho khu vực này…
Tháng 6-2024 tại một hội thảo về nguồn nước, TS. Võ Văn Hải, Hội Khoa học kinh tế và quản lý (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) đề xuất xây 2 hồ chứa nước ở Ðồng Tháp và Hậu Giang. Cụ thể, nhóm nghiên cứu gợi ý về vị trí xây hồ chứa ở Ðồng Tháp đặt gần Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, với diện tích khoảng 27.000ha, dung tích 1,5 tỉ mét khối nước, nhằm cung cấp nước cho các tỉnh Ðồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long… thông qua kênh liên tỉnh; kinh phí dự án khoảng 67.000 tỉ đồng. Còn hồ chứa thứ hai nằm gần Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp, với dung tích 1 tỉ mét khối, diện tích xây 17.000ha; tổng mức đầu tư khoảng 68.000 tỉ đồng. Hồ sẽ giúp điều tiết nước cho các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần Kiên Giang, TP Cần Thơ thông qua hệ thống kênh rạch có sẵn. Các hồ chứa xây dựng gần các khu bảo tồn thiên nhiên với mục đích dùng nơi này dự trữ nước thông qua hệ sinh thái; cùng chức năng cung cấp nước, phòng chống cháy rừng trong mùa khô…
An ninh nguồn nước vấn đề sống còn ở đồng bằng
Bộ NN&PTNT cho rằng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở các tỉnh ÐBSCL diễn biến khá phức tạp. Mùa khô năm 2015-2016, toàn vùng có tới 210.000 hộ thiếu nước; sau đó nhiều công trình thủy lợi, cấp nước được nhanh chóng đầu tư, nhưng trong mùa khô 2019-2020 vẫn có khoảng 96.000 hộ ở ÐBSCL thiếu nước. Ðến mùa khô năm 2024, toàn vùng có hàng chục ngàn hộ dân ở nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt; nhiều hộ ở Cà Mau phải đi đổi nước ngọt với giá 50.000 đồng/m3
về sử dụng.
Điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân vùng khó khăn ở Cà Mau trong mùa khô hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay: “Do hạn mặn diễn biến phức tạp, nhiều nơi không cân đối được nguồn nước tại chỗ bởi kênh rạch cạn kiệt, nên thiếu nước ngọt tiếp tục xảy ra… Cần phải thống nhất lại nhận thức rằng Việt Nam là một quốc gia thiếu nước, nước không phải vô hạn mà là hữu hạn. Vì vậy, để sử dụng nước ở góc độ hữu hạn thì phải có hành động tương xứng”. Hiện nay BÐKH và thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến nguồn nước vùng ÐBSCL; mực nước ở các sông, rạch xuống thấp gây ra sạt lở, sụt lún, thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất của người dân. Bộ NN&PTNT cho biết, đang chỉ đạo đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, xâm nhập mặn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2026 để cấp nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ sản xuất. Ðối với những công trình hồ chứa quy mô cần nghiên cứu thêm các vấn đề như trữ nước quy mô lớn, giải phóng mặt bằng với diện tích đất rất lớn mà phần nhiều là đất lúa 2-3 vụ/năm, rồi chất lượng nước bị ảnh hưởng nơi đất phèn, đất mặn, bốc hơi; ngoài ra còn lưu ý vấn đề an toàn công trình trữ nước, việc quản lý, vận hành, khai thác… Từ nhiều yếu tố đó thì giải pháp được đề xuất hiện nay là xây dựng các hồ trữ nước phân tán để phục vụ nhu cầu tại chỗ, các hồ chứa này chủ yếu được tận dụng các đoạn kênh đã có hoặc các khu đất trũng, ngập nước nhằm giảm bớt diện tích đất sử dụng…
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ rà soát, đánh giá tổng thể năng lực cấp nước của các công trình tập trung ở ÐBSCL; xác định cụ thể giải pháp cấp nước cho những khu vực chịu ảnh hưởng hạn mặn. Những khu vực có thể cấp nước tập trung thì đầu tư, xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng công trình hiện có. Các khu vực dân cư phân tán thì hỗ trợ thiết bị trữ nước sạch với dung tích phù hợp để đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong thời kỳ bị ảnh hưởng hạn mặn. Ðặc biệt là tổ chức vận hành liên hệ thống thủy lợi vùng ÐBSCL hợp lý hơn, để tăng cường kết nối nguồn nước liên tỉnh; từ đó nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi, nhất là mùa khô hạn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8-12-2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo dự báo, tại ĐBSCL có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông. Để chủ động phòng chống, hạn chế ảnh hưởng khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành cần rà soát, đánh giá khả năng nguồn nước, xây dựng phương án sử dụng nguồn nước phù hợp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt của người dân trong các tháng cao điểm nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn. Tổ chức theo dõi, chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh thời vụ, tổ chức sản xuất phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là tại khu vực ĐBSCL…
Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH