25/12/2024 - 09:02

Hợp sức đưa khởi nghiệp sáng tạo Tây Đô vươn biển lớn 

“Khởi nghiệp sáng tạo Tây Ðô - Hiện thực hóa khát vọng vươn biển lớn” là chủ đề của diễn đàn Khởi nghiệp và Ðổi mới sáng tạo (KN&ÐMST) vùng ÐBSCL - lần V được tổ chức vào sáng 24-12. Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia, diễn giả đến từ các cơ quan, tổ chức uy tín trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo như Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia NSSC, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại ÐBSCL, Trường Ðại học Cần Thơ, AI Education và các làng công nghệ Techfest Vietnam…

Các đại biểu tại phiên tọa đàm.

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: “Diễn đàn KN&ÐMST vùng ÐBSCL là sự kiện được thành phố tổ chức thường niên. Ðối với diễn đàn KN&ÐMST vùng ÐBSCL - Lần V được tổ chức hướng đến 2 mục tiêu. Thứ nhất, kết nối các nguồn lực các chuyên gia, tổ chức để hỗ trợ xây dựng, thúc đẩy hoạt động KN&ÐMST. Thứ hai, đề xuất sáng kiến, giải pháp, đóng góp trực tiếp cho mục tiêu cải thiện môi trường, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái KN&ÐMST tại TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL”.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, từ năm 2016 đến nay, hoạt động KN&ÐMST của TP Cần Thơ được triển khai đồng bộ, đa dạng. Là đầu mối xây dựng và phát triển hệ sinh thái KN&ÐMST TP Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ phát động và thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các nguồn lực trong khu vực công, khu vực tư nhân góp phần hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Hiện TP Cần Thơ có trên 1.000 thành viên thuộc cộng đồng KN&ÐMST, trên 500 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ nâng cao năng lực và kết nối thị trường, trên 50 sự kiện vùng và địa phương, trên 30 ghi nhớ hợp tác phát triển hệ sinh thái KN&ÐMST TP Cần Thơ, trên 20 kênh truyền thông liên kết hỗ trợ truyền thông về hoạt động KN&ÐMST, 23 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 8 thương vụ đầu tư với tổng giá trị khoảng 39,5 tỉ đồng. Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) và TP Cần Thơ xếp thứ 5, với 49,66 điểm. Trong đó, nhiều chỉ số có điểm số khá cao như cơ sở hạ tầng (55,45 điểm, đứng thứ 9); sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (52,52 điểm, đứng thứ 12); thể chế (50,02 điểm, đứng thứ 6)… Thành phố cũng là địa phương có xếp hạng đầu ra đổi mới sáng tạo đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song hoạt động KN&ÐMST của TP Cần Thơ vẫn đối mặt nhiều thách thức từ khủng hoảng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu… Tỷ lệ khởi nghiệp thành công hiện rất thấp (khoảng 10%) do nhiều nguyên nhân như khó khăn về tài chính; hạn chế năng lực quản trị, kinh doanh; sản phẩm, dịch vụ chưa hoàn thiện, chưa hướng đến nhu cầu thị trường… Bối cảnh này đòi hỏi Cần Thơ phải có giải pháp cụ thể, biến bất lợi, thách thức thành cơ hội, thúc đẩy KN&ÐMST; thay đổi tư duy, cách làm mới, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chia sẻ: “Tôi vừa thưởng thức mứt khế - một sản phẩm khởi nghiệp của TP Cần Thơ và nhận thấy hương vị vô cùng độc đáo, khác biệt so với sản phẩm tương tự của các quốc gia khác. Ðiều đó cho thấy, tài nguyên bản địa của vùng ÐBSCL vô cùng phong phú và nhiều tiềm năng phát triển. Vấn đề là chúng ta phải tạo điểm nhấn cho sản phẩm, đó là những câu chuyện dẫn dắt người tiêu dùng đến sản phẩm. Chúng ta có thể thành lập Làng di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên vùng ÐBSCL. Làng này không cần vốn đầu tư lớn mà tận dụng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên bản địa vốn có, chỉ cần góc nhìn mới sẽ tạo ra giá trị mới, qua đó có thể khai thác trọn vẹn tiềm năng, lợi thế của vùng”.

Về hệ sinh thái KN&ÐMST của TP Cần Thơ, bà Phạm Thị Hồng Phượng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Ðổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ, Trường Ðại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận xét, Cần Thơ đã đầy đủ các thành phần cơ bản, cần thiết. Vấn đề còn lại là thành phố phải chuẩn hóa hệ sinh thái này thông qua nền tảng kết nối “7 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp sáng tạo, nhà nông, nhà truyền thông, nhà băng. Nếu mối liên kết giữa “7 nhà” này bền chặt các khó khăn của KN&ÐMST dần được khắc phục và “khát vọng vươn ra biển lớn” sẽ trở thành
hiện thực.

Tại diễn đàn, các đại biểu còn tập trung trao đổi, chia sẻ và thảo luận các nội dung xoay quanh các chủ đề: đặc trưng khác biệt của hệ sinh thái KN&ÐMST TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL so với các vùng miền khác; xây dựng hệ sinh thái KN&ÐMST mở, phát huy thế mạnh của địa phương và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực mà thành phố đang quan tâm như kinh tế số, kinh tế xanh; gợi mở những giải pháp trọng tâm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái KN&ÐMST TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL, đề xuất những sân chơi mới cho KN&ÐMST tại địa phương…

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm nay Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53. Đặc biệt, Việt Nam được WIPO ghi nhận là 1 trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Morocco). Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết