26/11/2024 - 10:13

Thắt chặt mối dây liên kết, đầu tư tương xứng cho ngành hàng lúa gạo 

Sau 1 năm đi vào triển khai thực hiện, Ðề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QÐ-TTg, ngày 27-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Ðề án) đã đạt những thành công bước đầu, mở ra những bước đi vững chắc cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Theo các bộ, ngành, địa phương, để Ðề án đạt hiệu quả tối ưu, việc phát huy vai trò liên kết chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo là yếu tố quyết định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải bài toán về thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt và giá trị của ngành hàng lúa gạo gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu héc-ta ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. 

Thay đổi tư duy sản xuất

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phước Hảo, tỉnh Trà Vinh là một trong những HTX đầu tiên ở ÐBSCL được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng tỉnh Trà Vinh chọn làm mô hình điểm vì cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo yêu cầu của Ðề án 1 triệu héc-ta lúa có diện tích liền mảnh, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phương tiện để sản xuất. Theo ông Phùng Duy Truyền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hảo, các xã viên của HTX cam kết tuân thủ thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, cuối vụ HTX có liên kết với doanh nghiệp (DN) thu mua lúa cho các xã viên. Qua mô hình thí điểm trong vụ hè thu 2024, xã viên giảm chi phí sản xuất khoảng 3,61 triệu đồng/ha, giảm lượng giống sử dụng khoảng 60%, giảm phân bón hoá học 20-30% so với bên ngoài, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 2 lần/vụ. Nhờ sử dụng giống xác nhận và áp dụng quy trình canh tác mới, năng suất trong mô hình đạt 6,6 tấn/ha, tăng khoảng 6% so với ngoài mô hình... Lợi nhuận của mô hình tăng thêm khoảng 20% so với ngoài mô hình (tương đương tăng 7,63 triệu đồng/ha); giảm lượng khí phát thải khoảng 30% so bên ngoài mô hình, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển theo hướng bền vững. Ðây là kết quả đáng phấn khởi làm cơ sở để HTX vận động toàn bộ bà con xã viên mở rộng diện tích, tiến tới áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và tích cực tham gia mô hình trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đây là Ðề án 1 triệu héc-ta canh tác lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới do Chính phủ chỉ đạo. Vì vậy, Ðề án nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng rất quan tâm và mong muốn hỗ trợ. Mục đích chính của Ðề án là tổ chức lại sản xuất lúa gạo ở ÐBSCL nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, khó nhất là chuyển đổi tư duy của người sản xuất và người kinh doanh, phải đảm bảo kỷ luật của người sản xuất và người kinh doanh. Phải liên kết sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. Ðiểm nghẽn thời gian qua là thực hiện hợp đồng mua bán giữa DN, HTX có tình trạng “bẻ kèo” khi giá thay đổi… Vì vậy, Ðề án đặt ra yêu cầu phải liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị ngành hàng. Bên cạnh đó, đối với yêu cầu giảm phát thải, diện tích canh tác lúa giảm phát thải phải lớn, đo đếm giảm phát thải phải có quy trình, hệ số giảm phát thải, có tổ chức quốc tế chứng nhận khi Chính phủ Việt Nam cho phép bán tín chỉ carbon. Hiện Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm Ðề án ở 5 tỉnh, thành với mức giảm chi phí sản xuất từ 20-30%, năng suất tăng từ 10-15%, hệ số giảm phát thải đo được trung bình từ 5-6 tấn CO2/ha. Ðiều đáng mừng là khi có được kết quả này, nhiều thành viên ngoài HTX đã đăng ký xin vào HTX, nông dân cũng bắt đầu tin tưởng tham gia Ðề án. Bộ sẽ triển khai tiếp tục trong vụ đông xuân 2024-2025 và sẽ công bố hệ số phát thải lúa gạo của cả nước trên cơ sở đó để các tổ chức chứng nhận vào thực hiện quy trình chứng nhận.

Gắn kết vì lợi ích chung

Tại hội nghị “Triển khai Chương trình cho vay ưu đãi 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ÐBSCL”, nhiều DN chế biến, xuất khẩu lúa gạo bày tỏ nhu cầu tiếp cận vốn ngắn, trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư nâng cao năng lực chế biến, xuất khẩu. Các HTX tham gia chuỗi giá trị liên kết sản xuất mong tiếp cận vốn đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp... Các địa phương tham gia đề án cũng mong muốn huy động các nguồn lực cho đầu tư công, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, vận chuyển hàng hóa, công trình thủy lợi trong vùng sản xuất của Ðề án, nguồn vốn tín dụng cho Ðề án, phát huy các mô hình liên kết hợp tác, phát huy vai trò của HTX, hộ nông dân...

Theo ông Trần Thanh Nam, mục tiêu Ðề án, kinh phí Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần để đầu tư hạ tầng, còn lại huy động từ nhiều nguồn trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khi chỉ đạo ngành Ngân hàng tham gia vào Ðề án là “cú huých” là động lực để thúc đẩy các lực lượng tham gia vào Ðề án… Cơ chế đã rõ ràng, cơ bản hoàn thành và đang chờ Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật cho Ðề án. Thời gian tới, cần có cơ chế phối hợp để triển khai mô hình liên kết sao cho hiệu quả. Các HTX cần có hợp đồng liên kết với DN từ khâu đầu vào đến đầu ra. Trong đó có DN kinh doanh giống, cung cấp phân bón, cơ giới hóa và DN bao tiêu đầu ra. Và phải xây dựng được hợp đồng liên kết hợp tác chứ không chỉ dừng lại ở hợp đồng mua bán.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú, cần thay đổi tư duy và cách thức tổ chức sản xuất lúa gạo ở ÐBSCL từ sản xuất đến thu mua, phân phối xuất khẩu. Muốn phát triển ngành hàng, các bên liên quan phải đi cùng nhau, gắn kết chặt chẽ, dài lâu, vì lợi ích chung và tranh thủ các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để cùng tham gia vào Ðề án. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú nhấn mạnh: Các NHTM đặc biệt là Agribank vào cuộc triển khai ngay chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các đối tác tham gia liên kết trong Ðề án. NHNN các tỉnh thành phố và các NHTM trên địa bàn triển khai cụ thể để các đối tượng thụ hưởng nắm bắt thông tin; tiếp tục theo dõi, giám sát đảm bảo chính sách cho vay ưu đãi triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng... Các địa phương hỗ trợ lập danh sách và công bố vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn để các NHTM cho vay đúng đối tượng. DN, HTX, hộ nông dân khẩn trương xây dựng các dự án, chính thức tham gia vào chuỗi liên kết để hưởng các chương trình ưu đãi của Nhà nước dành cho Ðề án. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi đảm bảo chính sách cho vay ưu đãi triển khai nhanh chóng, đảm bảo đúng đối tượng. Nguồn lực đầu tư cho đề án không có con số cụ thể, không giới hạn nguồn vốn. Nếu Ðề án phát huy hiệu quả, mở rộng thêm diện tích ngành Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng kịp thời nguồn vốn.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết