26/11/2024 - 18:02

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình:

Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ 

(TTXVN) - Sáng 26-11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ đã họp trực tuyến với các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông; và 8 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh) về kết quả triển khai công tác cải TTHC 10 tháng năm 2024.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Nhấn mạnh nội dung của cuộc họp là bàn về TTHC, các văn bản pháp quy đã ban hành, việc thực thi các kế hoạch cải cách hành chính trên thực tế có tạo thuận lợi cho người dân không, Phó Thủ tướng cho biết, mục tiêu đặt ra là phấn đấu tạo ra nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ, thực sự là chính phủ kiến tạo. Xây dựng nền hành chính thông thoáng, thuận lợi, kiến tạo là chỉ đạo rất quyết liệt của Ðảng và điều này cũng đánh giá năng lực cầm quyền của Ðảng. Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, địa phương có đề xuất kiến nghị vĩ mô về công tác cải cách hành chính, tháo gỡ những điểm nghẽn.

Báo cáo của Tổ công tác do ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), Ủy viên thường trực Tổ công tác trình bày cho thấy, về cải cách quy định TTHC, Bộ Quốc phòng đã đánh giá tác động 10 TTHC tại 2 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tác động 99 thủ tục tại 5 dự thảo.

Ðối với các địa phương, TP Hồ Chí Minh đã đánh giá tác động, thẩm định 22 thủ tục tại 28 dự thảo văn bản; Ðà Nẵng đánh giá tác động, thẩm định 5 thủ tục tại 3 dự thảo văn bản, trong đó đã ban hành 2 văn bản quy định 3 TTHC tại nghị quyết của HÐND thành phố. Tây Ninh đánh giá tác động, thẩm định và ban hành 2 TTHC đặc thù. Hải Dương đánh giá tác động TTHC trong 2 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương còn lại không phát sinh việc đánh giá tác động, thẩm định đối với TTHC quy định tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Về cắt giảm quy định kinh doanh (chỉ tiêu năm 2024 là 10% đối với bộ, cơ quan đạt dưới 15% trong giai đoạn 2022-2023; 5% đối với bộ, cơ quan đạt từ 15% trở lên giai đoạn 2022-2023), Bộ Quốc phòng đã cắt giảm, đơn giản hóa 11/35 thủ tục, còn 24 thủ tục chưa đơn giản hóa (trong đó, 9 thủ tục tại các văn bản do Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và 15 thủ tục do Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung 3 nghị định).

Bộ Thông tin và Truyền thông cắt giảm, đơn giản hóa 101/202 quy định kinh doanh tại 9 văn bản quy phạm pháp luật, còn 101 quy định kinh doanh chưa thực thi (các phương án vẫn còn thời hạn thực thi đến hết năm 2025).

Bộ Ngoại giao không có phương án thực thi cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.

Về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư liên quan đến Ðề án 06, ông Ngô Hải Phan cho biết, Bộ Quốc phòng đã cắt giảm, đơn giản hóa 30/52 TTHC, giấy tờ công dân. Hiện còn 22 thủ tục quy định tại 1 nghị định và 6 thông tư liên tịch, Bộ đang xây dựng để thực thi phương án.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đơn giản hóa giấy tờ công dân đối với 48/68 thủ tục tại 9 văn bản quy phạm pháp luật, còn 20 thủ tục chưa thực thi (trong đó không có phương án thực thi quá hạn).

Bộ Ngoại giao đã cắt giảm, đơn giản hóa 25 thủ tục theo phương án tại Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ. Qua theo dõi của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao còn 6 thủ tục chưa thực thi, đã quá hạn.

Về phân cấp trong giải quyết TTHC, Bộ Quốc phòng đã phân cấp 33/40 thủ tục (7 thủ tục còn lại Bộ đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa). Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân cấp 23/66 thủ tục tại 3 văn bản quy phạm pháp luật, còn 43 thủ tục chưa thực thi (có 4 thủ tục đang thực thi quá hạn do phải thực hiện theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ; 39 thủ tục vẫn còn thời hạn đến hết năm 2025). Bộ Ngoại giao chưa hoàn thành việc thực thi phương án phân cấp đối với 2 TTHC tại Quyết định số 06/2020/QÐ-TTg về tổ chức quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế.

Ngoài ra, một số địa phương cũng đã tích cực thực hiện phân cấp trong giải quyết TTHC như: Hà Nội tiếp tục thực hiện phương án ủy quyền đối với 518 thủ tục. Ðà Nẵng đã ủy quyền cho Sở Ngoại vụ thực hiện một số nội dung trong lĩnh vực quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế; ủy quyền 41 TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo. Cần Thơ thực hiện phương án ủy quyền đối với 126 thủ tục.

Qua theo dõi của Văn phòng Chính phủ - cơ quan thường trực Tổ công tác, hiện nay, Bộ Quốc phòng còn 7 TTHC phân cấp chưa thực thi (có 2 thủ tục quá hạn); Bộ Thông tin và Truyền thông còn 43 thủ tục chưa thực thi; Bộ Ngoại giao còn 2 thủ tục chưa thực thi (quá hạn).

Các bộ, địa phương đã ban hành quyết định công bố thủ tục, danh mục TTHC và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tuy nhiên, việc công bố, công khai TTHC tại các bộ, địa phương còn chưa kịp thời, đầy đủ, như Bộ Ngoại giao, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Chia sẻ bài viết