ÐBSCL là vùng sản xuất nông sản lớn nhất cả nước. Song, lúa gạo, thủy sản, trái cây vẫn gặp khó khăn, phát triển chưa bền vững. Một trong những nguyên nhân của các điểm nghẽn phát triển đó là vốn tín dụng cho nông sản chủ lực chưa đáp ứng yêu cầu. Giải quyết bài toán vốn tín dụng để đưa nông sản ÐBSCL vươn xa hơn đang trở nên cấp thiết.
Các sản phẩm gạo của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: V.CÔNG
Rào cản về cung - cầu tín dụng
ÐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây cả nước, nhưng đã và đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nông sản ÐBSCL còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng vốn đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn vùng hiện chưa đáp ứng yêu cầu, vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh nông sản chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Trong khi rủi ro trong sản xuất nông nghiệp rất cao, ngoài yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì rủi ro từ thị trường tiêu thụ cũng trở thành lực cản để tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Mới đây, tại hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ÐBSCL phát triển nhanh, bền vững” do Báo Ðại biểu Nhân dân và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho biết: “Thúc đẩy tín dụng cho nông sản chủ lực của ÐBSCL không đơn thuần là cho vay vốn từng sản phẩm, mà phải đầu tư cho những dự án mang tính chuỗi. Ví dụ mua nguyên liệu thì vốn ngắn hạn, nhưng đầu tư cho máy móc, thiết bị thì cần vốn dài hạn, nên chúng ta phải tính tổng thể nhu cầu vốn của từng dự án. Chúng ta đang thiếu định chế phát triển bảo hiểm rủi ro cho tín dụng nông nghiệp và đặc biệt vay vốn hiện nay phần lớn là dựa trên yếu tố tài sản thế chấp. Với ngân hàng thì rủi ro cao, lãi suất càng cao, nhưng nông nghiệp thì cần vay với lãi suất thấp, nên cần gỡ nút thắt này. Ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn, nhưng điều kiện là phải giảm được rủi ro”.
Trên thực tế, các tổ chức tín dụng huy động từ nguồn vốn thương mại lãi suất cao, nên rất khó để cho vay với lãi suất thấp, trong khi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhiều rủi ro. Ðiều này dẫn đến tình trạng ngân hàng thừa tiền, nhưng nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, hoặc khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Việc không gặp nhau giữa bên cho vay và bên vay còn là tính minh bạch tài chính, tài sản đảm bảo của bên vay chưa đáp ứng yêu cầu của ngân hàng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, trong khi ngân hàng thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro nên tín dụng nông nghiệp không đạt như kỳ vọng.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: “Các doanh nghiệp kinh doanh chế biến xuất khẩu gạo cần vay vốn vay dài hạn cho đầu tư kho, silo chứa lúa gạo. Nhưng thời gian qua, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay dài hạn. Ðể đầu tư, doanh nghiệp buộc phải lấy vốn ngắn hạn chuyển sang. Ðiều này rất bất hợp lý, thiếu bền vững, nên doanh nghiệp rất cần ngân hàng cùng ngồi lại để tính toán, xem xét cho vay vốn theo nhu cầu của doanh nghiệp mới có thể nâng giá trị của toàn chuỗi lúa gạo”. Theo ông Bình, gạo Việt Nam có nhiều triển vọng xuất khẩu ra thế giới, nhưng đang phát triển không bền vững. Vì vậy, nếu triển khai hiệu quả Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ÐBSCL theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sẽ giải quyết được rất nhiều thách thức cho ngành lúa gạo.
“Ðiều kiện tiên quyết để thực hiện là ngoài liên kết các nhà thì cần vốn đầu tư chuỗi liên kết trong Ðề án 1 triệu héc-ta lúa này. Hợp tác xã và doanh nghiệp cần vay vốn để thanh toán các vật tư đầu vào cho nông dân (lúa giống, phân thuốc…), đồng thời xây dựng kho chứa, các silo. Thiếu tiền ai thì được chứ không thể thiếu tiền nông dân” - ông Bình nói.
Gỡ các nút thắt
Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 9-2024, tổng dư nợ tín dụng vùng ÐBSCL đạt 1,18 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 643.000 tỉ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ vùng (ngành lúa gạo dư nợ khoảng 124.000 tỉ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ vùng và 53% dư nợ tín dụng lúa gạo cả nước).
Tại hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ÐBSCL phát triển nhanh, bền vững”, ông Lê Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank, cho biết Agribank luôn quan tâm và tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành hàng nông sản chủ lực của ÐBSCL như thủy sản, lúa gạo và trái cây. Ðến cuối tháng 10-2024, tổng dư nợ của khu vực ÐBSCL đạt 262.000 tỉ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong khu vực và chiếm 20,8% dư nợ nông nghiệp nông thôn của Agribank. Trong đó, lĩnh vực thủy sản đạt 38.000 tỉ đồng, chiếm gần 49% dư nợ thủy sản của Agribank; lúa gạo đạt 33.000 tỉ đồng, chiếm gần 48% dư nợ lúa gạo của Agribank; trái cây đạt 8.400 tỉ đồng, chiếm 36,4% tổng dư nợ trái cây của Agribank. Trong nhiều năm trở lại đây, khu vực ÐBSCL là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và hiệu quả nhất toàn hệ thống Agribank. Theo hướng dẫn của NHNN, Agribank đang tiếp tục xây dựng các sản phẩm cho vay ưu đãi lãi suất riêng đối với từng nhóm khách hàng để thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại ÐBSCL...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để cung - cầu tín dụng gặp nhau, giải quyết bài toán phát triển bền vững cho ngành hàng nông sản chủ lực thì cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Ðó là cần xây dựng vững chắc các liên kết theo từng ngành hàng, có các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, đủ lớn để giữ vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Chính quyền và các ngành chức năng của địa phương phải tham gia vào chuỗi liên kết để đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, hợp tác xã, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, có phương án kinh doanh khả thi để tăng năng lực tiếp cận nguồn vốn vay trong các mô hình liên kết. Ðồng thời Trung ương và các địa phương cần dành nguồn lực đủ mạnh để đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp nông thôn.
GIA BẢO