18/09/2024 - 10:31

Đồng hành cùng hội viên, phụ nữ hội nhập 

​Trong nửa nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Hội LHPN TP Cần Thơ tập trung hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, gắn với bảo vệ môi trường; đồng hành cùng hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống. Ðồng thời, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Qua đó, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Hội, nhất là trong giai đoạn phát triển và hội nhập.

Đại biểu tham quan tại gian hàng giới thiệu nước mắm Tư Hon tại Ngày hội “Giao lưu kết nối sản phẩm” tổ chức ở quận Ô Môn năm 2023. Ảnh: CTV

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Chị Trần Thị Mỹ Phương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Trần Văn Hon ở phường Thới An, quận Ô Môn, kể năm 1975, gia đình chị thành lập xưởng sản xuất nước mắm Tư Hon. Sau này, do quy trình sản xuất nước mắm khắt khe, đầu ra sản phẩm không ổn định, thêm vào đó, nước mắm công nghiệp có giá thành rẻ cạnh tranh khốc liệt khiến việc sản xuất nước mắm truyền thống gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, chị Phương quyết tâm gây dựng lại thương hiệu bằng cách đầu tư lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại; chú trọng hoàn thiện quy cách sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác, tích cực đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm...

Sau 5 năm, nước mắm Tư Hon đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, thu hút nhiều khách hàng. Năm 2021, sản phẩm nước mắm cá sặc Tư Hon được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Cuối năm 2023, nước mắm Tư Hon có thêm 3 sản phẩm OCOP được UBND thành phố xếp hạng 4 sao. Cũng trong năm 2023, sản phẩm nước mắm cá sặc Tư Hon được Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương trao Chứng nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL, tổ chức tại Cà Mau.

Hiện nay, cơ sở nước mắm Tư Hon giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương, với mức thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng. Chị Phương là một trong những gương phụ nữ tiêu biểu của thành phố khởi sự kinh doanh hiệu quả. Theo chị Phương, thành công của chị có sự hỗ trợ tích cực của các cấp Hội LHPN thành phố, cụ thể là kết nối, hướng dẫn các thủ tục pháp lý đăng ký thương hiệu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động khác của Hội. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN thành phố đã hướng dẫn các quận, huyện chỉ đạo cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Các cấp Hội cũng tích cực kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; phát huy hiệu quả hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TP Cần Thơ, để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Với sự nỗ lực của các cấp Hội, đã có 26.159 lượt hộ phụ nữ nghèo được trợ giúp, trong đó có 2.544 chị thoát nghèo.

Tích cực tham gia bảo vệ môi trường

Các cấp Hội LHPN thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hằng năm, nhân Ngày Môi trường Thế giới, Thành hội tổ chức ra quân diễu hành tuyên truyền bảo vệ môi trường, chương trình “Ðổi rác thải lấy quà tặng” có trên 5.000 lượt phụ nữ tham gia. Các cấp Hội tổ chức trồng cây xanh; thường xuyên ra quân tổng vệ sinh môi trường, lắp đèn chiếu sáng, làm hàng rào tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Ðồng thời, phối hợp với Trung ương Hội tổ chức phát động Phụ nữ thực hành sống xanh, xây dựng các mô hình: “Phụ nữ sống xanh”, “Ngôi nhà xanh”, “5 có, 3 sạch”... Qua đó tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 145 mô hình kinh tế, tổ hợp tác với 2.239 thành viên và 10 hợp tác xã (HTX) với 228 thành viên. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp gắn với trưng bày, quảng bá và giới thiệu sản phẩm của hội viên, phụ nữ đến người tiêu dùng; hỗ trợ 124 sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm xây dựng chuẩn OCOP của phụ nữ; hỗ trợ 625 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 2.507 lượt phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh. Các cấp Hội còn phối hợp tư vấn giới thiệu việc làm cho 11.446 chị đi làm các khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Là địa phương có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, chị Nguyễn Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN quận Ninh Kiều, cho biết: các cấp Hội LHPN quận tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện có hiệu quả việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Năm 2024, quận tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường với chủ đề “Phụ nữ Ninh Kiều chung tay gìn giữ môi trường xanh”. Qua đó, đã thu gom gần 500kg phế liệu, trao tặng 160 phần quà cho hội viên phụ nữ và học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 34 triệu đồng. Tổ chức trồng 8.200 cây xanh; 11/11 cơ sở thực hiện ra quân vệ sinh môi trường, với tổng chiều dài tuyến đường khoảng 9km, thu gom 5m3 rác.

Ðặc biệt, mô hình “Phụ nữ Ninh Kiều thực hành 3 xanh: nhà xanh, hẻm xanh, nơi làm việc xanh” được Hội LHPN quận Ninh Kiều ra mắt năm 2024. Tiêu chí “Nhà xanh” là 100% phụ nữ trồng ít nhất 1 cây xanh, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ, người dân bỏ rác thải vô cơ vào “ngôi nhà xanh” và tham gia chương trình đổi rác thải nhận cây xanh về trồng. Tiêu chí “Hẻm xanh” là tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia xây dựng công trình “Hẻm xanh”, phấn đấu mỗi cơ sở Hội có ít nhất 2 tuyến hẻm xanh. Tiêu chí “Nơi làm việc xanh” là phát động 100% cán bộ hội viên, phụ nữ tại cơ quan tham gia thực hiện “Nơi làm việc xanh” bằng việc trồng cây xanh, cây cảnh tại bàn làm việc... Các phường tiếp tục duy trì các mô hình: “Phụ nữ hạn chế túi ni lông để bảo vệ môi trường”, “Thu, gom rác thải nhựa vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Biến rác thải nhựa thành bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn”, “Ðổi phế liệu lấy nhu yếu phẩm”...

Mở rộng quan hệ đối ngoại

Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Hằng năm, Hội LHPN thành phố phối hợp Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về công tác đối ngoại nhân dân cho tất cả cán bộ Hội cơ sở. Bên cạnh đó, tổ chức sinh hoạt hội viên, phổ biến bản tin đối ngoại do Ban Quốc tế Trung ương Hội cung cấp hằng tháng, quý; đồng thời thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ qua các kênh website, Facebook, Zalo...

Ðẩy mạnh công tác vận động nguồn lực quốc tế, Hội ký kết hợp tác với tổ chức KOCUN Hàn Quốc thực hiện Chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ di cư kết hôn với nam giới Hàn Quốc. Dự án “Việt - Hàn chung tay chăm sóc” đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (DCHH) theo diện kết hôn cho 502 chị và con cái, gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, việc làm, chăm sóc sức khỏe; tư vấn miễn phí về tâm lý, pháp lý, việc làm, cung cấp thông tin 599 lượt cho 409 phụ nữ DCHH; hỗ trợ 526 lượt cho 368 trẻ em Việt - Hàn về cư trú, học phí, y tế, hỗ trợ khẩn cấp, học tiếng Hàn miễn phí; tổ chức 2 đợt sinh hoạt trại hè và trẻ em Việt - Hàn, xây dựng 2 căn nhà “Cây ước mơ” cho 2 trẻ; hỗ trợ kinh phí về học phí, cấp visa, khám chữa bệnh... cho 132 lượt trẻ em. Ðồng thời, tổ chức 66 lớp giáo dục định hướng cho phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc với 1.070 học viên; trong đó Cần Thơ có 579 học viên. Qua đó, trang bị cho chị em kỹ năng về làm dâu, làm mẹ, làm vợ và ứng phó với những thách thức của cuộc sống tại nước ngoài, góp phần giảm thiểu rủi ro bất hạnh trong hôn nhân.

Bên cạnh đó, hoạt động của Văn phòng OSSO Cần Thơ và Trung tâm Việt - Hàn chung tay chăm sóc đã tư vấn hỗ trợ về pháp lý, tâm lý, việc làm... cho 2.416 lượt phụ nữ DCHH và gia đình họ; tổ chức 8 cuộc truyền thông và hội thảo, 2 cuộc giám sát tại địa bàn có đông phụ nữ DCHH, để làm cơ sở đề xuất chính sách hỗ trợ cho phụ nữ DCHH theo diện kết hôn và trẻ em có yếu tố nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn thành phố.

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế, những yêu cầu đặt ra đối với đất nước và phụ nữ trong tình hình mới; tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách, thông lệ quốc tế, nhất là những cam kết liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển. Song song đó là tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tham gia kết nối doanh nhân nữ trong nước với đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế thông qua kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo, góp phần quảng bá và đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế...

Các cấp Hội đã tổ chức 20.759 cuộc truyền thông, nói chuyện chuyên đề về ý thức, trách nhiệm của phụ nữ và cộng đồng về xây dựng nông thôn mới, gắn các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; ra mắt các mô hình “Đổi rác thải thành bảo hiểm y tế”, đã tặng 1.171 thùng rác, 5.951 giỏ xách nhựa cho thành viên mô hình; tổ chức trồng 47.300 cây xanh...
Có 1.286 thành viên tham gia 3 mô hình “Phụ nữ sống xanh”, 2 mô hình “Ngôi nhà xanh”, 51 mô hình “5 có, 3 sạch”; 111.689 gia đình cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
 

HẢI THƯ

Chia sẻ bài viết