25/07/2024 - 08:32

PII - Ðịnh vị đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ 

Nằm ở vị trí trung tâm vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng. Ðáng chú ý, thành phố đã và đang đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (ÐMST) trong sản xuất kinh doanh, phát huy thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã - hội của toàn vùng. Ðiều này thể hiện rõ nét qua kết quả công bố chỉ số ÐMST (PII) năm 2023 mới đây, Cần Thơ thuộc top 5 địa phương đạt chỉ số cao nhất cả nước.

Hoạt động trưng bày sản phẩm mang tính ÐMST trong khuôn khổ hội thảo khoa học "PII - Ðịnh vị ÐMST trong phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ và hướng tới thúc đẩy ÐMST vùng ÐBSCL".

Phân tích thấu đáo thực trạng

Kết quả công bố PII năm 2023, TP Cần Thơ xếp thứ 5/63 tỉnh, thành, với điểm số 49,66 và đầu ra ÐMST được xếp hạng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội. Một số chỉ số vượt trội thành phố đạt được có thể kể đến như nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển (đạt 98,73 điểm), đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích (đạt 100 điểm), đơn đăng ký giống cây trồng (đạt 100 điểm), chỉ số sản xuất công nghiệp (đạt 93,51 điểm) và số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên (đạt 77,07 điểm).

Phân tích kết quả PII của Cần Thơ, theo PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và chính sách, Ðại học Kinh tế TP Hồ Chính Minh, Cần Thơ đã được những kết quả bước đầu về đầu tư nâng cao chất lượng ÐMST. Ðiều này thể hiện rõ khi 4/7 trụ cột của địa phương vượt trội và dẫn đầu vùng. Trong đó, 2 trụ cột "đầu vào" (vốn con người và nghiên cứu và phát triển; trình độ phát triển của thị trường) và 2 trụ cột "đầu ra" (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ và tác động). Bên cạnh đó, còn có nhiều chỉ số thành phần khác nổi bật, đóng góp đáng kể gia tăng điểm số PII của địa phương như tính năng động của chính quyền địa phương, hạ tầng số, tỷ lệ DN khởi nghiệp sáng tạo trong tổng số DN mới thành lập... Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh và lợi thế của thành phố so với các địa phương trong nước, vẫn còn nhiều điểm yếu, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Cần Thơ. Ðiển hình phải kể đến trụ cột "trình độ phát triển của DN" - với 5/6 chỉ số thành phần ghi nhận điểm số thấp hơn mức trung bình của cả nước (chính sách hỗ trợ DN, quản trị điện tử, giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của DN, tỷ lệ chi đào tạo lao động trong tổng chi của DN,...).

Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ÐMST nói riêng là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Cần Thơ là địa phương ghi nhận điểm số PII nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu cả nước và dẫn đầu vùng ÐBSCL, tuy nhiên điểm số ở 2 nhóm chỉ số này cũng rất thấp so với toàn quốc. Từ đó, đặt ra vấn đề vùng ÐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng cần có những giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ÐMST.

Chung tay tìm giải pháp

Phát biểu tại hội thảo khoa học "PII - Ðịnh vị ÐMST trong phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ và hướng tới thúc đẩy ÐMST vùng ÐBSCL" mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Kết quả đạt được từ bộ chỉ số PII giúp thành phố có thêm cơ sở để đánh giá toàn cảnh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên tiềm lực khoa học, công nghệ và ÐMST. Ðồng thời, nhận định sâu sát hơn những điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng cần được khai thác, phát huy trong thời gian tới. Qua việc công bố PII, thành phố muốn hướng đến các các mục tiêu: phân tích thực trạng và đánh giá kết quả hoạt động ÐMST dựa trên các chỉ số ÐMST của TP Cần Thơ và ÐBSCL; chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về ÐMST trong phát triển kinh tế - xã hội; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, chính sách, định hướng phù hợp cho việc phát triển chỉ số PII phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và ÐMST.

PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và ÐMST, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất phát triển Trung tâm ÐMST Nông nghiệp số Cần Thơ nhằm nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, thương mại, logistics để tăng giá trị cho các sản phẩm nông/thủy sản vùng ÐBSCL, phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, thành phố tiếp tục kiên trì thúc đẩy và tăng cường hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đổi mới công nghệ, tham gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển tài sản
trí tuệ…

Ðể cải thiện và nâng cao chỉ số Ðổi mới PII năm 2024 và những năm tiếp theo, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt khuyến cáo TP Cần Thơ tập trung vào nhóm giải pháp "thể chế" để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN và thúc đẩy khoa học, công nghệ và ÐMST. Trong đó, cần có những chính sách cụ thể và hiệu quả hỗ trợ DN trong các thủ tục; nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Một trong những điểm yếu của trụ cột cơ sở hạ tầng là "quản trị điện tử". Do đó, địa phương cần tập trung các giải pháp cải thiện hiệu quả quản trị điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công và sự hài lòng của người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ và đổi ÐMST cần được thiết kế theo hướng xác định rõ ràng những ngành, nghề hoặc nhóm ngành có lợi thế và nhu cầu cao trong khu vực ÐBSCL và Cần Thơ (nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, nông nghiệp xanh và sinh thái, công nghệ khai thác năng lượng từ biển…). Cùng với đó, chính quyền thành phố cần tăng ngân sách chi cho khoa học và công nghệ nghiên cứu và phát triển. Ðây là yếu tố cần thiết và cấp bách để thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng ÐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết