Qua 4 năm (từ năm 2020 đến nay), UBND TP Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ triển khai nhiều chương trình hợp tác và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo… đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố. Song để việc hợp tác giữa 2 bên đạt được kết quả cao nhất, các sở, ban, ngành thành phố và nhà trường cần tăng cường trao đổi, cùng nhau xây dựng các nội dung hợp tác mang tính chiến lược phát triển thành phố trên nhiều lĩnh vực.
Mô hình trồng nấm rơm sạch của Hợp tác xã New Green Farm, quận Thốt Nốt là một trong những mô hình được hỗ trợ từ chương trình hợp tác giữa ngành chức năng thành phố và Trường Đại học Cần Thơ.
Xác định Trường Đại học Cần Thơ là trường đại học có uy tín và chất lượng hàng đầu cả nước - nơi quy tụ nhiều nhà khoa học đầu ngành, có trình độ năng lực chuyên môn cao, đào tạo nhiều chuyên ngành từ bậc đại học đến sau đại học trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, UBND TP Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ đã ký "Bản thỏa thuận chương trình hợp tác giai đoạn 2020-2025", nhằm tăng cường liên kết, hợp tác toàn diện trên lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng… Qua 4 năm hợp tác, giữa 2 bên đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo… đóng góp tích cực vào sự phát triển của TP Cần Thơ.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ đã có mối quan hệ hợp tác, gắn bó lâu dài trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Trường đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức thành phố. Hiện toàn thành phố có hơn 30% cán bộ, công chức, viên chức đã từng học và tốt nghiệp tại Trường. Qua quá trình hoạt động, Trường đã có nhiều đề xuất, hiến kế giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc của thành phố, như vấn đề về giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; vấn đề phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đồng thời, có những góp ý, phản biện đối với việc xây dựng chính sách, các dự án, đề tài khoa học, góp phần xây dựng và triển khai thành công nhiều chủ trương, chính sách của TP Cần Thơ.
Qua 4 năm hợp tác ở lĩnh vực nông nghiệp, thành phố và Trường Đại học Cần Thơ đã triển khai xây dựng mô hình vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố; ứng dụng công nghệ IoT và viễn thám trong quản lý sản xuất và dịch hại trên cây lúa; xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất cho 3 loại cây ăn trái như xoài, nhãn và vú sữa, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu thị trường; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác chọn tạo giống lúa mới, phục vụ xây dựng nhãn hiệu gạo Cần Thơ... Cùng đó, hợp tác triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, trang thiết bị và đã thu hút 104 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 25 doanh nghiệp đủ điều kiện được nhận hỗ trợ và có 13 dự án được xét duyệt hỗ trợ nâng cao chất lượng hạt gạo… Qua hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần giúp tăng doanh thu và lợi nhuận. Ở lĩnh vực hợp tác đào tạo, Trường đã liên kết với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập và tiếp cận các công nghệ, thiết bị tiên tiến tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn tại thành phố...
Nổi bật ở lĩnh vực khoa học - công nghệ đã có 23 nhiệm vụ được triển khai, với nhiều dự án, đề tài đáng kể, như dự án phát triển mô hình du lịch cộng đồng thành phố; đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống thông minh, hỗ trợ hỏi đáp thủ tục hành chính tại thành phố; đề tài nghiên cứu đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ mô hình vườn cây ăn trái phục vụ phát triển du lịch... với tổng kinh phí thực hiện hơn 19,7 tỉ đồng. Đặc biệt, Trường đã hợp tác với thành phố cập nhật, phổ biến và chia sẻ khoảng 4.000 thông tin công nghệ, thiết bị qua Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đăng tải giới thiệu, chia sẻ, cung cấp thông tin về thiết bị, công nghệ, thông qua hệ thống Mạng thông tin Khoa học và Công nghệ (www.casti.vn) và qua hệ thống Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ (www.catex.vn). Hiện có 240 gian hàng và trên 1.000 sản phẩm công nghệ, thiết bị mới được cập nhật hằng năm và hàng trăm sản phẩm, dịch vụ được quan tâm, tìm kiếm trên sàn giao dịch công nghệ... Ngoài ra, Trường Đại học Cần Thơ còn tìm kiếm các nguồn kinh phí khác, từ hợp tác quốc tế, các chương trình, dự án của các bộ, ngành Trung ương lên đến 48 tỉ đồng để thực hiện các nghiên cứu tại thành phố.
Theo Phó Giáo sư Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, hoạt động hợp tác giữa 2 bên đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra. Và để đẩy mạnh phát triển hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố trong thời gian tới, Trường rất mong nhận được những gợi ý đặt hàng từ chính quyền thành phố, đặc biệt là từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố về nhu cầu nguồn nhân lực mà thành phố cần thu hút đầu tư trong thời gian tới, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp. Chẳng hạn như 4-5 năm nữa, Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ sẽ đi vào hoạt động và thành phố cần bao nhiêu kỹ sư… để đáp ứng cho nhu cầu này. Từ đó, các trường thuộc Trường Đại học Cần Thơ sẽ chủ động lập kế hoạch tuyển sinh và đào tạo các ngành, nghề phù hợp, để sau 4 năm đào tạo, thành phố sẽ có được nguồn nhân lực mới, đáp ứng với nhu cầu phát triển của thành phố.
Để hoạt động hợp tác giữa UBND TP Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ phát triển một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả cao nhất, ông Trần Việt Trường mong muốn, với đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, Trường Đại học Cần Thơ tích cực góp ý, hiến kế cho mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. UBND thành phố cam kết, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường về nghiên cứu, học tập, tham gia các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố. Song song đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu mỗi sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác với các trường, các khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ trên cơ sở bảng đề xuất các nội dung hợp tác giữa 2 bên… Từ đó hiện thực hóa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Bài, ảnh: MỸ HOA