Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình từ Cần Thơ, thành phố được mệnh danh là Tây Đô, và là thủ phủ miền Tây.
Từ Cần Thơ, nếu đi ngược lên hướng tây bắc, dọc theo sông Hậu, thì tả ngạn bao gồm các vùng đất: Vĩnh Long, Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự và Tân Châu.
Còn hữu ngạn thì gồm: Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc và An Phú (An Giang). Có thể nói, vùng châu thổ rộng lớn mà sông Hậu chảy ngang qua chính là vùng canh tác lúa nổi tiếng nhất Việt Nam, và cũng có thể nói là lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Nguồn lợi về kinh tế nông nghiệp và giao thương đường thuỷ chính là nét đặc trưng tạo nên một phần rất quan trọng của vùng đất Chín Rồng.
Sự trù phú của vùng đồng bằng đã tạo nên một nét văn hoá độc đáo mà lại hài hoà với điều kiện tự nhiên. Đi dọc hai bờ sông Hậu, chúng tôi phát hiện ra rằng, hầu hết những khu chợ nổi hoạt động tấp nập nhất miền Nam đều tập trung trên những nhánh sông này.
Đó chính là Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp); chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) và chợ nổi Long Xuyên (An Giang). Hầu hết các chợ nổi này vẫn còn hoạt động.
Dọc theo sông Hậu, ngoài những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay của Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên, chúng tôi bắt gặp những làng bè nuôi cá, có nơi làng bè kéo dài hàng ki-lô-mét. Ngoài nguồn lợi thuỷ sản thu được từ làng bè, cuộc sống lênh đênh trên bè cũng được ghi nhận là một nét đặc sắc của riêng người dân bản xứ, thong thả mà phóng khoáng.
Tạp chí Heritage