* Trình diễn đồng ruộng thu hoạch vụ hè thu 2024 mô hình thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng
(CT) – Ngày 4-9, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và tỉnh Sóc Trăng tổ chức trình diễn đồng ruộng thu hoạch vụ hè thu 2024 mô hình thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng và hội nghị sơ kết thực hiện 7 mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC).
Theo Cục Trồng trọt, thuộc Bộ NN&PTNT, đã có 7 mô hình thí điểm thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, được triển tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp. Đến nay, có 4 mô hình được thực hiện từ vụ lúa hè thu 2024 đã có lúa thu hoạch, gồm 1 mô hình ở Cần Thơ, 1 mô hình ở Sóc Trăng và 2 mô hình ở Trà Vinh. Kết quả: năng suất, chất lượng lúa trong các mô hình đều đạt tốt, nông dân có lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình, đồng thời giảm mạnh được lượng phát thải khí nhà kính nhờ giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện tưới ướt khô xen kẽ và thu gom rơm ra khỏi đồng. Ước năng suất lúa của 4 mô hình thí điểm trong vụ hè thu 2024 đạt 64,52 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,63 tạ/ha, với sản lượng lúa đạt 1.262 tấn. Lợi nhuận của nông dân trong các mô hình tại Cần Thơ và Trà Vinh cao hơn 3,93-7,63 triệu đồng/ha…
Còn 3 mô hình đã gieo sạ trong vụ thu đông 2024 tại các tỉnh, thành: Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang có tổng diện tích 140ha, dự kiến thu hoạch từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10-2024. Theo kế hoạch, tới đây tỉnh Trà Vinh tiếp tục xuống giống 2 mô hình trong vụ thu đông 2024 sau khi thu hoạch xong vụ hè thu và tỉnh Kiên Giang xuống giống 1 mô hình trong vụ mùa trên nền đất lúa tôm vào tháng 9-2024. Vụ đông xuân 2024-2025, dự kiến diện tích thực hiện mô hình điểm tại các địa phương được nâng lên 3.344ha.
Tại hội nghị sơ kết thực hiện 7 mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, các đại biểu được nghe Cục Trồng trọt, cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, IRRI và các địa phương báo cáo, đánh giá về các kết quả đạt được của mô hình. Qua đó, các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn để đẩy mạnh nhân rộng, phát triển mô hình.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Bộ đã chọn 5 tỉnh, thành thuộc các vùng sinh thái khác nhau để thực hiện các mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Đến nay, lúa trong vụ đầu tiên tại nhiều mô hình đã được thu hoạch và đã khẳng định mang lại nhiều kết quả bước đầu rất khả quan. Đáng chú ý, nhận thức và hành động của nông dân đã có sự thay đổi, đây là dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi phương thức sản xuất và quy trình canh tác. Đồng thời, cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến huyện, tỉnh đã tích cực cùng vào cuộc. Qua thực hiện mô hình, đã giúp nông dân giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính và tăng lợi nhuận. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa nông dân với nhau, với các hợp tác xã, doanh nghiệp và các bên có liên quan.
Từ nhiều kết quả tích cực của các mô hình thí điểm, ông Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Trồng trọt tiếp tục tăng cường phối hợp các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các địa phương và đơn vị có liên quan để nhân rộng, phát triển mô hình trong các vụ lúa tới đây, nhất là vụ đông xuân 2024-2025. Trên cơ sở các mô hình điểm với diện tích 50 héc-ta tại các địa phương, chú ý mở rộng mô hình lên theo hướng liền ô, liền thửa gắn với đảm bảo các điều kiện thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Tiếp tục tăng cường mời gọi doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu lúa cho nông dân trong mô hình và có hợp đồng chặt chẽ. Đặc biệt, các địa phương cần bám sát mô hình điểm tại địa phương để kịp thời điều chỉnh những gì chưa hợp lý và quan tâm theo dõi tập hợp các số liệu, dữ liệu để hình thành bộ tài liệu nhằm phổ biến, tuyên truyền về mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với điều kiện thực tế tại địa phương mình…
Trình diễn đồng ruộng thu hoạch lúa và thu gom rơm bằng máy tại xã Long Đức, huyện Long Phú.
* Trình diễn đồng ruộng thu hoạch vụ hè thu 2024 mô hình thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng được thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi ở xã Long Đức, huyện Long Phú. Tại buổi trình diễn, nông dân và các đại biểu tham quan thực tế ruộng lúa tại mô hình, xem trình diễn thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp và thu gom rơm ra khỏi đồng bằng máy cuốn rơm. Ruộng lúa 50ha tại mô hình ở xã Long Đức sạ giống ST 25, áp dụng gieo sạ hàng kết hợp vùi phân bón. Dù lượng sử dụng giống chỉ ở mức 60kg/ha nhưng lúa tại mô hình đạt năng suất rất tốt, với 700kg lúa tươi/công và lúa được bán với giá lên đến 11.000 đồng/kg…
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/09/Tiep-tuc-nhan-rong-mo-hinh-thi-diem-thuc-hien