(CT) – Ngày 31-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, với chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng các đại biểu dự họp tại điểm cầu TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan thành phố và nhiều nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp… dự hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ.
Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức tại Hà Nội và được kết nối với các điểm cầu trong cả nước, với sự tham dự của hơn 4.300 đại biểu. Theo Ban tổ chức, trước khi diễn ra hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các HTX, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả, đã có hơn 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nông dân và đại biểu tham dự hội nghị đặt các câu hỏi cụ thể về những khó khăn, thách thức mà ngành Nông nghiệp và nông dân đang phải đối mặt và mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tháo gỡ kịp thời để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống cho nông dân. Cụ thể như vấn đề hỗ trợ nông dân ứng phó các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí khậu; giải pháp tăng thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản và gỡ thẻ vàng IUU; vấn đề “tích tụ’ đất đai và liên kết để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa lớn, phát triển chế biến và xuất khẩu nông sản; thúc đẩy thị trường carbon; hỗ trợ về vốn và khoa học công nghệ để sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, phát thải thấp…
Trước các vấn đề cụ thể được nông dân và các đại biểu nêu ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp trao đổi, trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành tham gia giải đáp các câu hỏi ngay tại hội nghị, cũng như tiếp thu để xem xét, giải quyết. Kịp thời đề xuất các cấp thẩm quyền về các cơ chế, chính sách và giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá buổi đối thoại đã thể hiện sự đồng lòng, nhất trí và tình cảm dành cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thủ tướng đã ghi nhận, biểu dương ngành Nông nghiệp và nông dân có đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2024. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỉ USD, với thặng dư thương mại đạt gần 18 tỉ USD, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất siêu của cả nước. Các mặt hàng nông sản của nước ta đã có mặt tại 190 nước trên thế giới. Ðó là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, chúng ta sản xuất ra được hàng và đưa hàng đi được đến nơi cần. Chúng ta không chỉ làm đủ ăn mà còn đạt thặng dư cao, xuất khẩu trên 9 triệu tấn gạo, mang về hơn 5 tỉ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Nông nghiệp vẫn phát huy vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế…Thủ tướng cảm ơn các đại biểu, cảm ơn sự đóng góp của ngành Nông nghiệp và nông dân trong sự nghiệp phát triển đất nước, trong khát vọng đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới. Ðể thúc đẩy phát triển và hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân thông minh, Thủ tướng lưu ý, tới đây các bộ, ngành, địa phương cùng nông dân và các bên có liên quan cần tiếp tục quan tâm phối hợp cùng nhau để tháo gỡ các vướng mắc và đề xuất các cơ chế và giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng… để tạo các thuận lợi và đột phá cho phát triển. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cần được thực hiện tốt hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai phát triển các khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất. Rà soát các quy định về đất đai để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất đai gắn với tăng cường hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ. Tiếp tục quan tâm đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và có các gói tín dụng ưu đãi, cũng như khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất. Quan tâm phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, bao bì cho sản phẩm để nâng cao giá trị. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nâng chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp…
KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/12/Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-doi-thoai-voi-nong-dan.html