Vụ đông xuân 2024-2025, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã gieo trồng được 72.031ha lúa. Thời điểm này, lúa đông xuân đã bước vào thu hoạch rộ và hầu hết các trà lúa đều được thu hoạch thuận lợi bằng máy. Dù giá giảm nhưng việc tiêu thụ lúa của nông dân vẫn thuận lợi, lúa sau thu hoạch hầu hết đều được nông dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái và các doanh nghiệp.
Thu hoạch lúa đông xuân tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai.
Lúa dễ bán nhưng giá thấp
Trong những tuần trước Tết Nguyên đán 2025, giá nhiều loại lúa đã liên tục giảm mạnh so với hồi tháng 11 và 12-2024. Sau Tết, giá một số loại lúa có tăng nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn nằm ở mức khá thấp so với với những tháng cuối năm 2024 và so cùng kỳ vụ đông xuân 2023-2024. Theo đó, giá nhiều loại lúa ở mức thấp hơn từ 1.800-2.500 đồng/kg so với năm trước.
Giá lúa giảm do gần đây giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, nhất là khi một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới có chính sách mở cửa cho xuất khẩu gạo trở lại sau một thời gian ngừng xuất khẩu. Mặt khác, một số nước nhập khẩu lúa gạo cũng đang tạm thời giảm nhập khẩu vì thời gian qua còn lượng hàng dự trữ nhiều. Hiện các loại lúa thơm như Ðài Thơm 8, RVT, Jasmine 85 và OM 18 được nông dân tại các quận, huyện ở TP Cần Thơ bán cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức 6.100-6.400 đồng/kg, lúa ST 24 ở mức 7.500 đồng/kg, lúa tươi IR 50404, OM 380… ở mức 5.000-5.300 đồng/kg. Dù giá lúa giảm nhưng nhờ hoạt động thu mua lúa gạo được các tiểu thương đẩy mạnh nên việc tiêu thụ lúa của nông dân vẫn khá dễ dàng. Lúa ngay sau thu hoạch đều được hầu hết nông dân cân bán lúa tươi cho thương lái và doanh nghiệp, nông dân không phải lo việc phơi sấy lúa. Lê Phước Thiện ở xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: “Vụ đông xuân này, giá lúa bất ngờ giảm thấp nên nông dân kém vui vì không có lợi nhuận nhiều. Tuy nhiên, việc tiêu thụ lúa vẫn khá dễ dàng, khoảng 1-2 tuần trước thu hoạch đã có thương lái đến đặt cọc mua lúa tươi. Ðến thời điểm này không xảy ra tình trạng trì hoãn của thương lái, khiến cho lúa chín bị để lâu trên đồng. Vụ này, 4 công lúa của tôi sạ giống lúa Ðài Thơm 8, bán được giá 6.400 đồng/kg, thấp hơn gần 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước”. Vụ đông xuân này, 40 công lúa của gia đình anh Trần Minh Ngoan ngụ ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai cũng gieo sạ giống Ðài Thơm 8 và đã thu hoạch xong, anh Ngoan cho biết: “Nông dân kém vui vì giá lúa giảm, khiến lợi nhuận giảm nhưng nhờ ruộng lúa đạt năng suất tốt nên nông dân vẫn có lời. Nhờ lúa được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời nên tránh được “thiệt hại kép” do lúa chín để lâu trên đồng sẽ bị hao hụt, thất thoát nhiều, dẫn đến giảm năng suất. Vụ này, nhờ ruộng lúa của tôi trúng nên tôi mới có thể đạt mức lời 3 triệu đồng/công tầm lớn (1.300m2), còn những hộ dân làm lúa bị thất hoặc phải thuê đất để trồng lúa thì khó kiếm lời”.
Thu hoạch lúa nhanh chóng
Hiện hầu hết các diện tích lúa đông xuân chín đều được thu hoạch nhanh chóng và thuận lợi bằng máy móc cơ giới. Ðể thuận lợi cho thu hoạch lúa bằng máy, nông dân đã chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa từ khá sớm khi chuẩn bị bước vào thu hoạch để đồng ruộng khô ráo, tạo điều kiện để đưa các máy móc vào đồng ruộng thu hoạch như máy gặt đập liên hợp (GÐLH), máy kéo lúa và máy thu gom rơm. Rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất lúa và thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nông dân cũng theo dõi sát thông tin thị trường và tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, tiểu thương và chủ máy GÐLH để kịp thời “chốt” giá bán lúa và thời điểm thu hoạch. Những ngày qua, điều kiện thời tiết nắng tốt cũng đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân thu hoạch lúa bằng máy và hầu như 100% các diện tích lúa đông xuân đều được thu hoạch bằng máy GÐLH. Ông Lê Hoàng Ân ở ấp Ðông Hòa, xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: “Hiện giá thuê máy GÐLH để thu hoạch lúa tại nhiều nơi ở mức 300.000-330.000 đồng/công. Lúa sau thu hoạch được máy kéo chở đến tận bờ ruộng để nông dân cân bán lúa tươi cho thương lái và doanh nghiệp”. Theo ông Lê Văn Mơn ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, máy móc phục vụ thu hoạch lúa đông xuân khá đầy đủ, không lo thiếu máy. Bên cạnh máy GÐLH ở địa phương, nhiều chủ máy GÐLH ở các tỉnh ÐBSCL cũng đưa máy đến Cần Thơ để làm dịch vụ thu hoạch lúa. Nông dân cũng đẩy mạnh sử dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm về bán hay để dành sử dụng vào nhiều việc khác.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để đảm bảo tốt việc thu hoạch và tiêu thụ lúa đông xuân, các địa phương, hợp tác xã và bà con nông dân cần quan tâm chuẩn bị tốt phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa gắn với tiêu thụ. Chủ động phối hợp, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa. Dù giá lúa thấp nhưng hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa của nông dân vẫn diễn ra tương đối thuận lợi, do vậy rất mong các địa phương, hợp tác xã và bà con nông dân có sự liên kết ngày càng chặt chẽ với doanh nghiệp, thương lái trong quá trình sản xuất, tiêu thụ lúa. Các địa phương chú ý tổ chức vệ sinh hệ thống thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để các phương tiện vận chuyển máy móc phục vụ thu hoạch lúa và vận chuyển lúa đến nơi tiêu thụ. Vận động, hướng dẫn nông dân thu gom, sử dụng hiệu quả phụ phẩm rơm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng thu nhập, tránh đốt rơm trên đồng gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/02/Thu-hoach-lua-kip-thoi-nhung-gia-ban-khong-cao.html