Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Đây là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia. Cùng với các địa phương có dự án đi qua, TP Cần Thơ tập trung cao độ, triển khai quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ dự án…
Tập trung thi công
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.725 tỉ đồng, tổng chiều dài khoảng 37,42km. Điểm đầu tại Km57+200 thuộc địa phận xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh (khớp nối với dự án thành phần 1); điểm cuối tại Km94+615 thuộc địa phận xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai (khớp nối với dự án thành phần 3). Trên tuyến có 30 công trình cầu, trong đó 25 cầu trên đường cao tốc, 1 cầu nút giao Lộ Tẻ – Rạch Sỏi vượt cao tốc và 4 cầu dẫn trên nút giao cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; 49 cống gồm 4 cống tròn và 45 cống hộp.
Công trường dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, có khoảng 1.055 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh có 283 trường hợp; huyện Cờ Đỏ có 407 trường hợp; huyện Thới Lai có 365 trường hợp. Tính đến ngày 12-11-2024, đã phê duyệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 1.015 trường hợp, còn 40 trường hợp đang thực hiện ở vị trí trạm dừng nghỉ huyện Cờ Đỏ chưa phê duyệt kinh phí bồi thường; đã chi trả tiền bồi thường 991 trường hợp. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng toàn tuyến khoảng 258,494ha. Trong đó, 1.015 hộ đã bàn giao mặt bằng với tổng diện tích trên 240ha, đạt 92,89%, tương đương 36,57km. Dự án có 4 gói thầu thi công xây lắp và 1 gói thầu thi công xây lắp hệ thống an toàn giao thông. Các hạng mục khác gồm: hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống quản lý và điều hành khai thác theo quy định…
Ông Phan Minh Trí, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Đến ngày 12-11-2024, tổng giá trị thực hiện 4 gói thầu xây lắp chính hơn 930,6 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 15,55%; trong đó, giá trị thực hiện gói thầu số 13 đạt tỷ lệ cao nhất là 25,22%. Kế hoạch vốn năm 2024 của dự án là 2.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách Trung ương, đã giải ngân đạt 81,3% kế hoạch. Dự kiến sẽ giải ngân phần vốn còn lại trong năm nay để đạt tỷ lệ giải ngân 100% kế hoạch vốn.
Về phần đường, tuyến chính có chiều dài là 30,02km; đường công vụ và đường gom có chiều dài là 38,96km. Theo đó, đã thi công đào nền đường tuyến chính là 28,5km, đường công vụ và đường gom là 36,96km. Tổng chiều dài thi công tuyến chính lớp cát K95 (đến lớp cắm bấc thấm) là 10,54km, thi công bấc thấm cải tạo nền 2,5km; thi công đường công vụ và đường gom lớp cát K95 là 22,6km. Trải vải địa tuyến chính được 10,54km; đường gom và đường công vụ được 22,6km. Thi công cấp phối đá dăm đường công vụ khoảng 1km. Đối với thi công cầu, đã triển khai thi công 26 cầu, 4 cầu còn lại (Kênh Mỹ, kênh Đầu Ngàn, kênh Sáng Bộ, kênh Ngàn Hai) do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền để thi công đường công vụ dẫn vào các cầu này, dự kiến sẽ được triển khai thi công vào cuối năm 2024.
“Thúc” tiến độ
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, hiện dự án đang gặp khó về nguồn vật liệu cát san lấp. Nhu cầu sử dụng vật liệu cát san lấp cho dự án khoảng 7 triệu mét khối cát rời, bao gồm khối lượng cát thi công công trình phụ trợ phần cầu, mố nhô, cầu tạm… Qua tính toán cân đối nguồn cát cung cấp từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang, dự án còn thiếu khoảng 2,4 triệu mét khối cát. Ban đã có văn bản gửi tỉnh Bến Tre và văn bản gửi UBND TP Cần Thơ để đăng ký lịch làm việc về nguồn vật liệu cát từ các dự án nạo vét, chỉnh trị, cải tạo dòng chảy lòng sông kết hợp tận thu vật liệu cát của tỉnh Bến Tre. Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, huyện Cờ Đỏ điều chỉnh, bổ sung 0,51ha do điều chỉnh cột mốc mở rộng phần đường trên địa bàn huyện. Đường điện cao thế còn vướng 4 vị trí trên địa bàn 3 huyện, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng thi công các gói thầu phần đường… Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 là công trình trọng điểm quốc gia. Đây là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia. TP Cần Thơ đang tập trung cao độ triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Ông Phan Minh Trí cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cũng như giải ngân nguồn vốn năm 2024, Ban đã yêu cầu đơn vị thi công tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị; đồng thời thực hiện đăng ký khối lượng thi công và cam kết thực hiện đúng tiến độ. Trên cơ sở đó, Ban thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi nhằm kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện…
Về phía địa phương, theo ông Phạm Minh Thuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cờ Đỏ, huyện đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn huyện, nhất là trạm dừng nghỉ…
Để đảm bảo tiến độ chung của dự án dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12 tới. Trong đó, UBND huyện Cờ Đỏ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố khẩn trương thực hiện các thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phạm vi dự án thuộc địa bàn huyện. Sở Công Thương thành phố liên hệ, phối hợp đơn vị liên quan thực hiện hoàn thành các thủ tục di dời đường điện cao thế. Đơn vị thi công tập trung nhân sự, tăng ca kíp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án…
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh, thành gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu tuyến cao tốc kết nối quốc lộ 91 tại TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Dự án được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản; khởi công vào tháng 6-2023. Theo kế hoạch, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Bài, ảnh: T. TRINH
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/11/Tap-trung-cao-do-du-an-cao-toc-Chau-Doc.html