Chiều 4.1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; các bộ trưởng, lãnh đạo ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, TP.HCM; đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước…
CẦN HUY ĐỘNG HƠN 4,4 TRIỆU TỈ ĐỒNG
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin một số mục tiêu lớn của quy hoạch, trong đó xác định đến năm 2030, TP.HCM tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phát triển đô thị và nông thôn theo định hướng “làng trong phố, phố trong làng”, kết hợp giữa bảo tồn các giá trị vốn có và phát triển bền vững. Đồng thời, sắp xếp lại hệ thống các khu vực dân cư nông thôn theo định hướng giảm số lượng các xã; nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn; giảm mức độ chênh lệch về trình độ phát triển so với các khu vực đô thị.
TP.HCM tiếp tục là đô thị đặc biệt bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm: TP.Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).
Để thực hiện quy hoạch trên, dự kiến giai đoạn 2026 – 2030, TP.HCM ước tính cần huy động trên 4,4 triệu tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 1,1 triệu tỉ đồng, huy động các nguồn vốn xã hội trên 3,3 triệu tỉ đồng. Địa phương cũng xác định danh mục các dự án trọng tâm được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này. Cụ thể, lĩnh vực giao thông có cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 và 4 cây cầu lớn (Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2). Đồng thời, đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, TP.HCM – Cần Thơ,
7 tuyến đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội, Phú Thuận.
Ở lĩnh vực KH-CN, TP.HCM ưu tiên các dự án trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, khu công viên KH-CN Thủ Đức. Song song đó, tiếp tục đầu tư các khu công nghiệp: Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, An Phú và cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò, Quy Đức, Dương Công Khi, Thới Sơn B, nhà máy điện LNG Hiệp Phước, trung tâm công nghệ sinh học quốc gia. Ưu tiên hoàn thiện phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới – Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước và khu đô thị lấn biển Cần Giờ…
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch TP.HCM. Sắp tới sẽ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trên cơ sở đó, TP.HCM chủ động chuẩn bị công tác lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
TẦM NHÌN XA CỦA TP.HCM
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng nhưng mới là kết quả bước đầu; để quy hoạch sớm đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm và cũng không ít khó khăn, thách thức. Ông Dũng đề nghị TP.HCM khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành như: quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hoặc ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm tạo động lực mới.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng lưu ý cần dành đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt nội thành, liên tỉnh, liên vùng, chú trọng phát triển các tuyến đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ bản quy hoạch này được chờ đợi nhiều năm, như món quà lì xì đầu năm đến từ người đứng đầu Chính phủ đối với thành phố. TP.HCM sẽ khẩn trương phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện kế hoạch triển khai, đảm bảo tính thống nhất, liên kết giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu.
“Chúng tôi nhận thức làm quy hoạch đã khó, tổ chức thực hiện, quản lý hiệu quả càng khó”, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá, đồng thời cho biết TP.HCM quản lý quy hoạch chặt chẽ, khoa học, linh hoạt, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực bứt phá.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần bày tỏ sự tâm đắc, tự hào với bản quy hoạch TP.HCM mới được phê duyệt, bởi lẽ bản quy hoạch mới thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy đổi mới, nghĩ sâu, làm lớn của địa phương.
Quy hoạch TP.HCM xác định các định hướng ưu tiên, xây dựng 2 hành lang, 3 tiểu vùng, 9 trục không gian chủ đạo và một trục không gian ven biển. Cấu trúc không gian đa trung tâm, TP.Thủ Đức là cực tăng trưởng mới, sắp xếp 5 huyện thành hệ sinh thái “làng trong phố, phố trong làng”.
“Sinh thái chính là cái này. Chúng ta xây dựng làng trong phố để xanh hóa đô thị, rồi xây dựng phố trong làng để đô thị hóa nông thôn. Khái niệm rất giản dị, dễ hiểu”, Thủ tướng tâm đắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
BIẾN QUY HOẠCH THÀNH CỦA CẢI, VẬT CHẤT
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc còn lại là thực hiện quy hoạch để tạo ra của cải, vật chất, sản phẩm cụ thể và quan trọng nhất là người dân được hưởng thụ, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nếu quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt, nhà đầu tư tốt và mang lại sự phát triển. Bên cạnh đó, quy hoạch phải huy động sức mạnh tổng hợp của người dân, doanh nghiệp, đối tác quốc tế.
Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị TP.HCM khai thác tốt không gian trên cao, không gian biển, không gian ngầm để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đưa ra giải pháp khắc phục những thách thức trong bối cảnh đất chật, người đông. Thủ tướng cho biết thêm đã giao Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông ngầm từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ. “Anh Vượng (ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – PV) rất say sưa cái này. Mình phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn”, Thủ tướng chia sẻ.
Trong khâu thực hiện quy hoạch, Thủ tướng lưu ý địa phương chú trọng tới “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 tiên phong”. Cụ thể, 1 trọng tâm là xây dựng cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển. 2 tăng cường là tăng cường đầu tư cho con người, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường kết nối kinh tế TP.HCM với vùng, với cả nước bằng hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, kết nối chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường. 3 tiên phong được Thủ tướng đặt hàng gồm phát triển hạ tầng chiến lược; đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH-CN; phát triển nhân lực chất lượng cao và thu hút, giữ chân nhân tài.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị TP.HCM quan tâm đến các dự án trọng điểm như trung tâm tài chính quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, mạng lưới đường sắt đô thị.
Nhấn mạnh quy hoạch TP.HCM không chỉ là vấn đề của riêng địa phương mà là nhiệm vụ chung của Chính phủ, các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần hỗ trợ để thành phố thực hiện được bản quy hoạch này. “Tôi xác định mỗi lần vào TP.HCM là phải giải quyết được một công việc gì, chưa giải quyết thì còn áy náy, trăn trở”, Thủ tướng chia sẻ, đồng thời đề nghị các bộ, ngành cũng theo đúng tinh thần như vậy, không làm việc qua loa, đá trách nhiệm.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/quy-hoach-tot-se-co-du-an-tot-185250104234301579.htm