Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PNNT) triển khai nhiều chương trình, hoạt động giúp nâng cao nhận thức và hành động của nông dân trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Qua đó, giúp nông dân quản lý tốt các sinh vật gây hại cây trồng để giảm các chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Với sự hướng dẫn của ngành chức năng, nhiều nông dân đã quan tâm áp dụng IPHM sản xuất cây ăn trái và thực hiện việc bao trái cây.Trong ảnh: Trồng xoài tại huyện Cờ Ðỏ.
Yêu cầu áp dụng IPHM
Áp dụng IPHM là một trong những giải pháp quan trọng để quản lý tốt các sinh vật gây hại cây trồng, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH). Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 150/QÐ-TTg ngày 28-1-2022 cũng đã đặt ra yêu cầu về việc xây dựng các chương trình IPHM (Quyết định số 150). Sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ “sức khỏe” đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái. Ðổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…
Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Quyết định số 3592/QÐ-BNN-BVTV ngày 23-9-2022 về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2030. Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Quyết định số 5416/QÐ-BNN-BVTV ngày 18-12-2023 về phê duyệt Ðề án Phát triển IPHM đến năm 2030. Ðề án đã xác định IPHM là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, Chiến lược phát triển trồng trọt theo hướng phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực (tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa) và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Giúp nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với BÐKH… Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái, cây hoa, cây cảnh và cây dược liệu được áp dụng IPHM; 70% diện tích ngô, cây công nghiệp được áp dụng IPHM; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường. Trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.
Nhiều giải pháp
Về xây dựng và nhân rộng mô hình IPHM trong sản xuất lúa, cây ăn trái và rau màu trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2023-2030. Thành phố đề ra mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng IPHM nhằm chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng BÐKH. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố có trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM. Trên địa bàn có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia, 20 giảng viên IPHM cấp thành phố. Mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Có 70% diện tích cây bắp, cây công nghiệp và 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM và trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.
Ðể nâng cao nhận thức và hành động của nông dân áp dụng IPHM, ngành Nông nghiệp thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền và tập huấn về IPHM thông qua nhiều hình thức khác nhau. Ðồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân áp dụng IPHM trên các đối tượng cây trồng cụ thể, tạo điều kiện để nông dân tham gia và tham quan thực tế các mô hình, dự án thực hiện xây dựng và áp dụng IPHM hiệu quả.
Vừa qua, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng đã phối hợp Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức hội thi nông dân áp dụng IPHM giỏi năm 2024. Hội thi này không chỉ góp phần thúc đẩy nông dân và cán bộ kỹ thuật tại các địa phương “thi đua” với nhau trong nắm vững các thông tin, kiến thức về IPHM để áp dụng hiệu quả vào sản xuất mà còn tạo sân chơi để các bên có liên quan gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối với nhau trong sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Bởi nội dung thi không chỉ xoay quanh các kiến thức về IPHM, về nông nghiệp bền vững, kiến thức về thị trường nông sản và giải pháp phát triển liên kết trong sản xuất theo chuỗi mà còn có phần thi trưng bày sản phẩm đặc thù tại địa phương.
Anh Cao Hiếu Hòa ở xã Trường Long, là thành viên đội huyện Phong Ðiền, cho biết: “Tôi rất vui vì đội huyện Phong Ðiền đoạt được giải Nhất. Càng mừng hơn khi đến với hội thi tôi được học thêm nhiều kiến thức mới và được gặp gỡ, quen biết nhiều cán bộ khuyến nông và nông dân sản xuất giỏi. Nếu như ngành chức năng tổ chức được nhiều hội thi ở cả các cấp thành phố, Trung ương và địa phương thì nông dân được tiếp cận nhanh các kiến thức IPHM và có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, các quận, huyện đã lựa chọn nông dân được tập huấn các kiến thức về IPHM để tham gia hội thi và họ cũng là những nông dân xuất sắc trong sản xuất như trồng lúa, rau màu và cây ăn trái. Ðến với hội thi, nông dân không chỉ tham gia tranh tài với nhau mà còn có điều kiện giao lưu, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm trong áp dụng IPHM trên các đối tượng cây trồng. Kết quả của hội thi không chỉ dừng lại ở thứ hạng các đội đạt được mà quan trọng hơn là thành viên trong các đội sẽ trở thành những nhân tố giúp “lan tỏa” kiến thức, kinh nghiệm áp dụng IPHM trong thực tiễn sản xuất đến với nhiều nông dân khác.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/11/Quan-ly-suc-khoe-cay-trong-tong-hop-nang-cao.html