Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định về việc đưa Phở Hà Nội (TP Hà Nội) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (DSVHPVTQG). Cùng đợt này, được vinh danh còn có Phở Nam Định (Nam Định), Mỳ Quảng (Quảng Nam), đều thuộc loại hình tri thức dân gian.
Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, hấp dẫn và giàu bản sắc. Trong ảnh: Nghệ sĩ Việt Hương cùng nghệ nhân Cần Thơ trong một hoạt động quảng bá bánh dân gian Nam Bộ.
Đây là những món ăn nổi tiếng, được nhiều người biết đến và ưa thích. Vì vậy, việc các món ăn này được đưa vào Danh mục DSVHPVTQG là xứng đáng. Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặt ra là việc đưa vào danh mục các loại di sản này, liệu có “chẻ nhỏ” quá chăng?
Đất nước ta giàu bản sắc văn hóa, trong đó có ẩm thực. Ẩm thực Việt Nam vô cùng đặc sắc, phong phú và làm nên hồn cốt văn hóa dân tộc. Vốn quý này hình thành qua lịch sử và có sự đóng góp của cộng đồng các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ngoài phở Nam Định, phở Hà Nội, mỳ Quảng, không thể không nhắc đến hàng trăm, hàng ngàn món ăn trứ danh khác. Chỉ đề cập đến món ăn đặc sản ĐBSCL, có thể dễ dàng kể ra hàng loạt như bún cá Kiên Giang, bánh canh Bến Có (Trà Vinh), hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho, bún nước lèo Sóc Trăng, cơm tấm Long Xuyên, bánh tằm Ngan Dừa (Bạc Liêu), mắm tôm chà Gò Công, bánh giá chợ Giồng (Tiền Giang), kẹo dừa Bến Tre… Còn khi kể thêm ở miền Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc… bản đồ ẩm thực đặc trưng của nước ta như “trăm hoa đua nở”. Vậy, nếu mỗi địa phương đều làm hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục DSVHPVTQG, thì phải chăng đang “lạm phát” việc công nhận di sản.
Ẩm thực mang tính địa phương rất cao, và lâu dần qua thời gian, hình thành nên một cộng đồng người thụ hưởng, thưởng thức giá trị ẩm thực món ăn ấy. Không lạ gì những câu quen thuộc của người xưa: “Mắm Châu Đốc. Dốc Nam Vang”, “Muốn ăn bông súng mắm kho. Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”, “Bánh tráng Mỹ Lồng. Bánh phồng Sơn Đốc”… Giá trị của món ăn được công nhận, định vị qua quá trình rất dài, như là hạt gạo mẩy đã trải qua bao “say, giã, dần, sàng”. Và khó mà minh định chuyện, món nào ngon hơn món nào, món nào nổi tiếng hơn món nào. Bởi, cùng một làng nghề, cùng một xứ sở, tri thức và kỹ thuật nấu nướng, chế biến của từng người, từng nhà đã có phần khác nhau.
Trong khi, như đã nói, khó mà minh định một bộ tiêu chí thật cụ thể, thật thuyết phục để công nhận di sản. Nhiều người đặt vấn đề, việc công nhận di sản kiểu “chẻ nhỏ” như vậy liệu có tạo sự so bì: món này được mà sao món kia lại không. Và một khi việc làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản như một trào lưu, món ăn nào “có tiếng” cũng là di sản quốc gia, thì có còn quý, có còn tinh túy nữa không?
Nên chăng, cần có chiến lược tôn vinh di sản ẩm thực Việt Nam một cách phổ quát, toàn diện. Để từ đó, ẩm thực là đại sứ văn hóa và cũng là sản phẩm du lịch thật sự hấp dẫn!
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/08/Pho-my-va-con-nhieu-mon-ngon-nua.html