Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế gắn với định hướng tăng trưởng xanh bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn. Với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, nông dân tại TP Cần Thơ đã từng bước hiện đại hóa sản xuất, chủ động làm chủ các công nghệ và nắm bắt các xu thế mới để sản xuất đạt hiệu quả cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kết quả tích cực
Tại Cần Thơ, các cơ quan chức năng của thành phố đã tích cực thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh bằng nhiều mô hình và việc làm cụ thể. Quan tâm hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học. Thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV, hạn chế ô nhiễm môi trường. Thực hiện quy hoạch ngành Nông nghiệp, xác định các lợi thế để phát triển phù hợp cho từng tiểu vùng và địa bàn sản xuất nhằm phát huy được các tiềm năng, hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH)…
Sử dụng phụ phẩm rơm từ sản xuất lúa để trồng nấm rơm tại Hợp tác xã New Green Farm ở quận Thốt Nốt.
Với sự khuyến khích và hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, nông dân đã tăng cường liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã, từ đó thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp và các bên có liên quan để tạo liên kết theo chuỗi. Hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật gắn với chuẩn hóa sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thành phố đã xây dựng, phát triển 143 mô hình cánh đồng lớn, với diện tích mỗi vụ trên 36.470ha và có 1.127ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Tích cực phát triển mô hình “canh tác lúa chất lượng cao (CLC) và phát thải thấp (PTT)” nhằm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa CLC và PTT gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Vụ đông xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng tại các quận, huyện với diện tích hơn 200ha. Từ các vụ lúa hè thu và thu đông 2024, mô hình thí điểm canh tác lúa CLC và PTT đã được thực hiện tại huyện Vĩnh Thạnh với diện tích 50ha. Mô hình đã giúp giảm nhiều chi phí sản xuất đầu vào và giảm phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn/ha, lợi nhuận của nông dân tăng cao từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha. Cần Thơ cũng triển khai thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm, giúp thu nhập của nông dân có thể tăng thêm 33 triệu đồng/ha từ việc sử dụng rơm trồng nấm và nguồn rơm thải ra tiếp tục được dùng ủ phân hữu cơ bón lại cho cây trồng.
Đối với sản xuất rau màu và cây ăn trái, thành phố đã có hơn 690ha sản xuất rau màu và cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Hiện thành phố đã hình thành vùng chuyên canh rau màu tập trung 229ha, sản lượng 28.390 tấn. Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực và hình thành các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu và vùng sản xuất tập trung với diện tích 12.673ha, sản lượng đạt gần 140 tấn/năm. Những năm qua, diện tích, sản lượng và chất lượng nhiều loại trái cây không ngừng được nâng cao nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường sử dụng giống mới. Cần Thơ đã có 219 mã vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu, với diện tích 3.014ha trên các đối tượng cây trồng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Úc và EU. Diện tích nuôi thủy sản đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn như VietGAP, ASC… đạt hơn 190ha. Thành phố cũng chú trọng hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn sinh học và phát triển các trang trại chăn nuôi lớn.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh
Phát huy các kết quả đã đạt được, hiện ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ tiếp tục quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng BĐKH. Chú ý nhân rộng các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, minh bạch hóa nền sản xuất, tăng cường liên kết, kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với chủ động thích ứng với BĐKH và tạo ra được các sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, tất cả các bên có liên quan phải tích cực vào cuộc để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt, đối với các cơ quan chức năng cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy thực hiện. Đối với bà con nông dân phải hướng đến tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế tác động đến môi trường và các phụ phẩm trong nông nghiệp phải có giải pháp xử lý, sử dụng hiệu quả. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp và nhà khoa học, cần tăng cường liên kết với nông dân và tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các công nghệ và thiết bị, máy móc giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế sử dụng các loại vật tư đầu vào, nhất là phân bón và thuốc BVTV để giảm tác động xấu cho môi trường”.
Phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp đang là xu hướng toàn cầu nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tại Việt Nam, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển nông nghiệp xanh cũng được xác định là yêu cầu, xu hướng tất yếu nhằm phát triển sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh tác động của BĐKH ngày càng tăng. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 3444/QĐ-BNN-KH về phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, phát triển bền vững.
Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa CLC, PTT gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, đồng thời ban hành nhiều đề án để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đơn cử như, đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học, đề án phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, đề án phát triển IPHM đến năm 2030, đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng. Về tổng thể, các đề án này đều hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đất, nước và bảo tồn đa dạng sinh học và giảm sử dụng các vật tư nông nghiệp. Từ các chủ trương và định hướng trên, các mô hình nông nghiệp xanh đã và đang được quan tâm phát triển tại các địa phương trong cả nước, giúp đáp ứng xu thế thị trường và giảm thiểu tác động của BĐKH. Để thực hiện tốt chiến lược phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững, tới đây Việt Nam chúng ta cần tiếp tục có những nỗ lực lớn không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp và nhất là bà con nông dân.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/12/Phat-trien-nong-nghiep-xanh-ben-vung.html