Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp điều hành lãi suất, tỷ giá, giảm mặt bằng lãi suất cho vay… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế dịp cuối năm. Đồng thời tăng cường các giải pháp kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tín hiệu khả quan
Theo NHNN, tính đến cuối tháng 11-2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt khoảng 15,3 triệu tỉ đồng, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt khoảng 14,8 triệu tỉ đồng. Còn tính đến ngày 13-12-2024, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Cơ cấu vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Song song đó, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động đã góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 11 tháng năm 2024 ở mức 3,69% và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong công tác điều hành.
Các TCTD đang nỗ lực đưa vốn vào nền kinh tế. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Meko, TP Cần Thơ.
Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào tháng 8 và tháng 11-2024, đảm bảo tính công khai, minh bạch để kịp thời cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15% năm 2024 là hoàn toàn khả thi, hiện nay các TCTD đang tích cực đưa vốn ra thị trường. Các TCTD cũng thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động nhằm giảm lãi suất cho vay. NHNN cũng yêu cầu các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng. Theo đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đến nay đã giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHNN, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 12-2024 đạt khoảng 175.800 tỉ đồng, tăng 12,37% so với cuối năm 2023. Có thể mức tăng trưởng sẽ cao hơn số ước, bởi nhu cầu tín dụng đang tăng cao do cho vay tiêu dùng, các lĩnh vực ưu tiên như gạo, thủy sản, nông nghiệp… tăng. Hiện nay, lãi suất huy động tăng nhẹ ở kỳ hạn dài, nhưng lãi suất cho vay nhìn chung ổn định và có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên, do các ngân hàng thương mại thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN về hỗ trợ và tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động. NHNN cũng chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại rà soát quy định giảm thủ tục, tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu tín dụng chính đáng, hỗ trợ tăng trưởng đạt mục tiêu.
Đảm bảo vốn cho nền kinh tế
Năm 2024 là năm với nhiều khó khăn, thách thức tác động rất lớn đến sự phục hồi sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tiêu dùng. Tuy nhiên, sự linh hoạt trong điều hành cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Theo dự kiến của Chính phủ, năm 2024 có thể đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của hệ thống ngân hàng trong cung vốn cho nền kinh tế, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025 mới đây, lãnh đạo NHNN cho biết, năm 2024 là năm ghi dấu ấn của ngành ngân hàng. NHNN đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện điều hành chính sách tiền tệ đã kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, nhằm có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay. NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và thích ứng với các cú sốc bên ngoài, nhờ đó thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thông suốt.
Vốn tín dụng ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế nhận định, để mạch máu nền kinh tế luôn được khơi thông thì ngoài sự chủ động của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, cần sự đồng hành, chia sẻ của các TCTD với khách hàng. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Theo dõi và chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các TCTD xử lý nợ xấu, đảm bảo thanh khoản hệ thống.
Ngày 16-12-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 135/CĐ-TTg về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng. Công điện của Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ngay từ những tháng đầu năm 2025. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các TCTD. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.l
Bài, ảnh: GIA BẢO
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/12/No-luc-giam-lai-suat-dam-bao-cung-ung-von.html