Tết Nguyên đán là dịp để mọi người về bên gia đình, cùng đoàn viên, sum vầy, chia sẻ những buồn vui năm cũ, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới. Theo kinh nghiệm của nhiều cặp đôi, tùy hoàn cảnh sống, điều kiện công việc, kinh tế mà mỗi gia đình có kế hoạch đón Tết phù hợp. Điều quan trọng nhất là các cặp đôi có sự bàn bạc thống nhất để Tết thật sự vui, ý nghĩa.
Nhiều cặp đôi ưu tiên dành thời gian cho gia đình trong những ngày Tết, tận hưởng niềm vui sum họp và chào đón năm mới tốt lành. Trong ảnh: Vợ chồng chị Cẩm Sang cùng hai bên nội ngoại. Ảnh: CTV
Chị Kim Ngọc ở quận Ninh Kiều, lập gia đình và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Nhà chồng chị Ngọc gốc Bắc, có 2 anh em trai, chồng chị Ngọc là con trai trưởng. Do điều kiện công việc, nên vợ chồng chị Ngọc ở riêng từ khi mới cưới. Dù không làm dâu, nhưng mỗi dịp Tết đến chị Ngọc đều phụ mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa và nấu mâm cỗ cúng ông bà. Đến ngày mùng 3 Tết chị mới khởi hành về nhà mẹ ruột ở Cần Thơ. Theo chị chia sẻ, đã gần 20 năm vợ chồng chị giữ thói quen này. Năm nay, em chồng chị Ngọc đã cưới vợ, có người phụ mẹ, nên chị bàn với chồng xin phép về quê ngoại ăn Tết sớm. Chị Ngọc bộc bạch: “Nhà ngoại cũng chỉ có 2 chị em. Tôi lấy chồng xa, em trai út chưa lập gia đình. Em tôi làm tài xế nên ít có thời gian dành cho gia đình, trong khi đó mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu. Nghe tôi báo tin con cháu về sớm cùng mẹ ăn Tết, mẹ mừng lắm. Mẹ khoe sẽ chuẩn bị các món ngon theo sở thích của tôi và các cháu ngoại”.
Chị Kim Quyền quê ở Cái Răng, có chồng quê gốc miền Trung. Sau khi kết hôn, anh chị sinh sống và làm việc tại quận Ninh Kiều. Chị Kim Quyền chia sẻ kế hoạch đón Tết: “Ba chồng tôi mất, mẹ chồng sống cùng vợ chồng chú út. Đầu tháng Chạp là giỗ ba chồng, tôi sắm sửa trà bánh để chồng tôi về giỗ ba và ở lại hẳn một tuần với mẹ. Có năm, vợ chồng tôi cùng về và đón mẹ vào Nam ăn Tết. Năm nay, do điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng tôi sắp xếp có khác mọi năm. Tôi và các con cũng gọi điện thoại, ân cần thăm hỏi sức khỏe mẹ và hẹn năm sau sẽ về quê đón Tết cùng gia đình”.
Năm nay, vợ chồng chị Hồng Diễm ở quận Ninh Kiều, quyết định dành trọn mấy ngày Tết về nhà ngoại ở Vĩnh Long. Chị Diễm tâm sự: “Ba tôi vừa mất năm ngoái. Tết này là năm đầu gia đình ăn Tết thiếu ba, chắc mẹ sẽ buồn và cô đơn lắm nên 4 chị em gái chúng tôi hẹn nhau chiều mùng 1 cùng về và ở lại với mẹ suốt 3 ngày Tết. Mẹ tôi năm nay đã gần 80, sức khỏe cũng yếu, do vậy tôi và các chị em ưu tiên dành thời gian cho mẹ. Điều hạnh phúc là chồng tôi và các anh em rể đều rất tán thành”.
Việc dành nhiều thời gian cho gia đình khi cha mẹ đã có tuổi được nhiều cặp đôi ưu tiên. Chị Cẩm Sang ở Cờ Đỏ chia sẻ, hội bạn thân cũng có kế hoạch du lịch những ngày Tết và mời gia đình chị tham gia nhưng vợ chồng từ chối với lý do ưu tiên dành thời gian cho hai bên nội ngoại. Chị Cẩm Sang bộc bạch: “Gia đình bên tôi đơn chiết chỉ có 2 chị em gái. Mẹ tôi sức khỏe yếu, nên từ ngày cưới, ông xã đã tình nguyện sinh sống bên nhà vợ dù anh ấy là con trai út trong nhà. Vì vậy, dịp Tết tôi ưu tiên dành thời gian cho nhà nội nhiều hơn, làm tròn bổn phận dâu con để ba mẹ chồng vui lòng, tình cảm gia đình thêm gắn kết”.
Cả hai vợ chồng anh Quốc Dũng quê ở miền Bắc. Anh chị hiện đang làm việc tại TP Cần Thơ. Hai năm qua, anh chị không về quê đón Tết do điều kiện kinh tế khó khăn, thêm bận bịu con nhỏ. Tuy vậy, anh chị luôn sắp xếp để gia đình có hương xuân. Vợ chồng anh bài trí mâm ngũ quả, chuẩn bị thực phẩm nấu mâm cỗ cúng ông bà, hướng về quê hương từ xa. Trong những ngày xuân, anh chị dự định ghé thăm, chúc Tết bạn bè đồng nghiệp và đưa các con tham quan một vài cảnh đẹp tại Cần Thơ.
Theo các cặp đôi, dù lựa chọn đón Tết bên cạnh gia đình hay du xuân thì vẫn có niềm vui riêng. Điều quan trọng là mọi người giữ sức khỏe, an toàn, chuẩn bị tâm thế vui tươi, chào đón một năm mới với niềm tin tốt đẹp vào tương lai.
HẢI THƯ
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/01/Niem-vui-ngay-Tet-Bao-Can-Tho-Online.html