Việt Nam có điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển sản xuất đa dạng nhiều loại trái cây phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thực tế cho thấy, nhiều loại trái cây của nước ta được người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao về chất lượng và được tiêu thụ ngày càng mạnh tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với xu thế tăng tiêu dùng các loại rau quả của thị trường trong và ngoài nước, Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển xuất khẩu trái cây.
Sơ chế, phân loại trái nhãn tại Hợp tác xã nhãn Ido Đồng Tâm ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Tăng sản xuất và xuất khẩu trái cây
Những năm gần đây, diện tích cây ăn trái trồng mới tại nhiều địa phương trong nước đã liên tục tăng, đặc biệt là với các loại cây có điều kiện xuất khẩu tốt. Hiện cả nước đã có hơn 1,26 triệu héc-ta cây ăn trái, trong đó ÐBSCL là vùng có diện tích lớn nhất, chiếm gần 32% diện tích cả nước, kế đến là vùng trung du miền núi phía Bắc chiếm 21,4% diện tích cả nước. Sản lượng các loại trái cây cũng đã tăng khá mạnh so với những năm trước và hiện đạt hơn 13,887 triệu tấn/năm. Qua đó, phục vụ khá tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và tạo ra một lượng hàng hóa lớn cho xuất khẩu.
Các sản phẩm trái cây và rau quả của nước ta đã được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất rau quả của nước ta đã đạt 6,66 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ðây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm trái cây xuất khẩu chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong cả năm nay có thể đạt tới 7,2 tỉ USD, trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm trái cây các loại có thể đạt tới 6,5 tỉ USD. Giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta đã bắt đầu vượt mốc 1 tỉ USD từ năm 2013 và liên tục tăng trong những năm gần đây.
Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay nước ta đã đàm phán và mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và trái cây tươi xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Úc. Trong đó, thị trường Trung Quốc đã mở cửa cho xuất khẩu chính ngạch đối với trái thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng, ớt, thạch đen, khoai lang, dừa và sầu riêng đông lạnh; còn thị trường Hoa Kỳ gồm có thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài và bưởi…
Nhiều tiềm năng để mở rộng xuất khẩu
Nước ta có điều kiện sinh thái đa dạng với chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có thể phát triển được nhiều loại cây ăn trái có nguồn gốc nhiệt đới và cả một số loại cây ôn đới. Với việc quan tâm nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm của sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu gia tăng tiêu dùng trái cây của thị trường trong nước và quốc tế, nước ta còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển sản xuất và tiêu thụ trái cây, nhất là phát triển xuất khẩu.
Ðể tạo thuận lợi cho việc ổn định và phát triển sản xuất các loại cây ăn trái, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch cho thêm nhiều loại trái cây. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tăng cường năng lực sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị. Giúp sản phẩm trái cây bảo quản được nhiều ngày, tạo thuận lợi cho đưa đi tiêu thụ tại các thị trường ở xa và có mức giá bán tốt. Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nước ta có 150 nhà máy chế biến trái cây và rau quả có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hiện mới đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng 10-17% sản lượng rau quả mỗi năm, số còn lại chủ yếu tiêu thụ dạng tươi và sơ chế, bảo quản với công nghệ còn thô sơ. Tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, trên 20%. Do đó, cần tăng cường năng lực bảo quản và chế biến để giảm tổn thất và nâng cao giá trị sản phẩm.
Mới đây, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và tỉnh Hòa Bình tổ chức diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến và công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng cần chú ý hỗ trợ và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp liên kết theo chuỗi. Thực hiện tốt các khâu sản xuất từ chọn tạo giống đến chuẩn hóa sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng và yêu cầu của thị trường và tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ NN&PTNT, cần phát triển chế biến và khai thác tốt hơn các thị trường để tăng cường xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây mà nước ta có thế mạnh, nhất là trái cây có múi như cam, bưởi… Bên cạnh việc tiếp tục phát triển xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc, chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường của các nước đã ký các hiệp định thương mại tự do với nước ta. Các địa phương cần chú trọng công tác đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm, siết chặt các quy trình quản lý sản xuất và chế biến. Phối hợp tốt cùng các bộ ngành, đơn vị có liên quan trong kết nối cung – cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ðạt nhiều kết quả tích cực nhưng sản xuất cây ăn trái tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và tăng “nóng” về diện tích của một số loại cây ăn trái. Từ đó, dễ dẫn đến rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ. Theo ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, để phát triển bền vững cây ăn trái, các địa phương cần rà soát lại việc sản xuất và căn cứ vào các quy hoạch và định hướng, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng ở Trung ương để tổ chức lại sản xuất cây ăn trái tại địa phương một cách căn cơ và bài bản, từ khâu chọn giống đến áp dụng các quy trình sản xuất, đến liên kết chuỗi, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm. Dứt khoát không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng mà chú trọng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị, thực hiện sản xuất thâm canh bền vững và mang lại hiệu quả cao.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://baocantho.com.vn/nhieu-du-dia-cho-xuat-khau-trai-cay-a181595.html