Trường THPT Châu Văn Liêm có 4 mặt giáp với các con đường Ngô Quyền, Trương Định, Xô Viết Nghệ Tĩnh và Võ Thị Sáu (P.Thới Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Trải qua hơn một thế kỷ, dù đã được xây mới lại, ngôi trường vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ kính ban đầu.
Từ Collège de Cantho
Theo một bài viết của học giả Hồ Hữu Tường đăng trên đặc san Xuân 1975 của Hiệu đoàn Trung học Phan Thanh Giản thì ngôi trường này được Toàn quyền Ðông Dương Albert Sarraut cho lập vào năm 1917. Cổng trường đối diện với Trường Sơ học tỉnh Cần Thơ ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện nay, quy mô 1 dãy nhà 1 trệt, 1 lầu.
Mặc dù được gắn bảng Collège de Cantho nhưng thời gian đầu cơ sở này còn được dùng làm ký túc xá cho học trò của Trường Sơ học, còn gọi là Trường tiểu học nội trú. Tầng trên dùng làm buồng ngủ, tầng dưới một bên dùng làm phòng học ban đêm cho học sinh nội trú, còn một bên là 2 lớp học, phần còn lại làm văn phòng của hiệu trưởng và phòng khách. Tháng 9.1921 cất dãy lầu thứ 2 và thêm kiến trúc phụ nối liền 2 dãy lầu.
Đến năm 1921, Collège de Cantho do hiệu trưởng người Pháp là ông Espelette quản lý. Thời điểm này có một số học sinh từ Mỹ Tho được chuyển đến Cần Thơ, trường mở thêm lớp bổ túc tiểu học nội trú. Học hết năm học thì học sinh được chuyển qua học tại Collège de Mytho đến năm thứ 4. Năm 1925 – 1926, Collège de Cantho tách ra không còn thuộc Collège de Mytho. Bấy giờ, trường chính thức khởi sự chương trình mở trọn 4 lớp bậc cao đẳng tiểu học. Từ đây, học sinh học hết năm thứ 1 sẽ tiếp tục học đến năm thứ 4.
Vụ học trò “làm reo”
Tháng 3.1926, nhân đám tang cụ Phan Châu Trinh và sự kiện chính quyền thuộc địa bắt giam chí sĩ Nguyễn An Ninh, hầu hết học sinh Trường Collège de Cantho đã bãi khóa cùng lúc với Collège de Mytho. Cuộc bãi khóa khiến tất cả học sinh bị hủy cả năm học.
Ngày 17.7.1926, quyền Thống đốc Nam kỳ Le Fol đến trường. Trước các quan chức địa phương gồm Chủ tỉnh, Ký lục, Chủ quận, Chánh tổng… ông khuyến cáo: “Chánh phủ biết rõ các vụ học trò lộn xộn làm reo, bỏ trường, nhưng sẵn sàng ân xá cho học lại. Nhưng chánh phủ cũng cương quyết đuổi học những kẻ hay sanh sự làm quấy trong trường”. Do vậy phụ huynh học trò bị đuổi học do làm reo lúc nọ phải làm đơn xin cho con em mình đi học trở lại (An Hà nhựt báo 22 Juillet 1926).
Sau vụ “làm reo” đó, ông Louis Reybouber được điều về làm giám đốc thay cho ông Manière cho đến năm 1929. Từ đó, mỗi năm, trường nhận thêm 70 học sinh mới. Đầu năm học 1928 – 1929, theo yêu cầu của học sinh, một số được chuyển qua Collège de Mytho hoặc lên Lycée Pétrus Ký Sài Gòn, trường chỉ còn một lớp năm thứ 4 với 21 học sinh.
Giai đoạn từ năm 1941 – 1956, Collège de Canthơ trải qua nhiều biến cố. Tháng 8.1941, trường bị quân đội viễn chinh Pháp trưng dụng làm Bộ tư lệnh miền Tây, học sinh phải di chuyển qua cơ sở ở đường Ngô Quyền (Trường THCS Đoàn Thị Điểm hiện nay). Năm 1945, Collège de Cantho đổi tên thành Trung học Phan Thanh Giản.
Sau khi ngôi trường cũ được giao trả lại vào năm 1956, do số học sinh ngày càng tăng nên Bộ Quốc gia giáo dục VNCH quyết định chia đôi trường Phan Thanh Giản để thành lập thêm một trường mới, là trường nữ Trung học Đoàn Thị Điểm. Năm 1968, trường có tên là Trung học tổng hợp Phan Thanh Giản và mở rộng đến hơn 100 lớp học từ trung học đệ nhất cấp đến đệ nhị cấp. Sau năm 1975, Trường Phan Thanh Giản đổi tên thành Trường cấp 3 TP.Cần Thơ và từ tháng 11.1985 đổi thành Trường THPT Châu Văn Liêm.
Xây mới theo kiến trúc cũ
Trường THPT Châu Văn Liêm được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, rất đẹp. Mặt bằng tổng thể gồm những dãy phòng học và hành lang bao quanh sân. Hành lang trang trí bằng những khung vòm nối tiếp. Trên các đầu cửa sổ có ốp gạch trang trí. Mái hình bánh ú lợp ngói, tường đầu hồi nhô qua khỏi mái tạo điểm nhấn đặc trưng. Cửa sổ và cửa đi chiều ngang vừa phải, cao ráo. Cửa lá sách tạo sự thông thoáng, phù hợp với khí hậu nóng ẩm miền Tây Nam bộ.
Năm 1987, Trường THPT Châu Văn Liêm được chuyên gia của Pháp khuyến cáo không nên tiếp tục sử dụng. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Lụa cho biết, bấy giờ một số cột bị bong tróc, gạch vữa rơi vãi, lộ cốt thép ra ngoài cho nên phải dùng sắt làm khung đỡ để chống sập đổ. Khu vực xuống cấp nặng, không đảm bảo an toàn thì ngưng sử dụng, đề phòng nguy hiểm.
Mãi đến năm 2015, việc xây dựng lại ngôi trường mới được quyết định sau khi trải qua nhiều cuộc hội thảo nhằm lựa chọn phương án tốt nhất. Cuối cùng, phương án được chọn là xây trên vị trí cũ, số tầng như cũ và kiến trúc như cũ, chỉ thay bằng vật liệu mới. Theo cô Trần Thị Lụa, khi xây dựng lại, dãy văn phòng và dãy phòng học đầu tiên nằm phía đường Xô Viết Nghệ Tĩnh được giữ nguyên hiện trạng, chỉ thay gỗ, ngói và sơn phết lại làm phòng truyền thống và thư viện. Các dãy phòng học bao gồm khu A, khu B xây trên nền cũ, xây mới nhưng vẫn giữ mô típ kiến trúc cũ.
Cuối năm 2018, việc xây lại trường hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm học 2019 – 2020. Hiện nay, quy mô của trường gồm 3 dãy nhà ngang, mỗi dãy 2 tầng, có các sân rộng tiếp giáp với các dãy nhà. Diện tích toàn trường khoảng 16.900 m².
Trường THPT Châu Văn Liêm là một di sản kiến trúc. Trường mang vẻ đẹp đặc biệt của một công trình đồ sộ với rất nhiều chi tiết sử dụng phong cách kiến trúc Pháp hồi đầu thế kỷ 20 còn được giữ lại ở miền Tây Nam bộ. (còn tiếp)