Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Theo NHNN, trong tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Thống đốc NHNN cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2025, góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.
Khách hàng đến giao dịch tại VCB chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN
Tăng tốc từ đầu năm
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 3-2-2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỉ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024 (cao hơn so với cùng kỳ năm 2024, dư nợ giảm 0,6%). Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, cuối tháng 12-2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động trong thực hiện.
Năm 2024, theo NHNN, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 15,5 triệu tỉ đồng, tăng 15,08% so với cuối năm 2023. Năm 2024, hệ thống ngân hàng đã cung ứng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,2 triệu tỉ đồng, góp phần cho tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%. Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên và đây là mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và ngành ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong cung ứng vốn cho mục tiêu này. Theo đó, NHNN cũng xác định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại hội nghị với các ngân hàng thương mại (NHTM) mới đây, lãnh đạo NHNN cũng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho các NHTM nhằm đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế. Tiếp tục điều hành lãi suất ổn định, chỉ đạo các NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.
Cũng theo NHNN, năm 2024 thông qua chủ động điều hành lãi suất ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhờ đó, lãi suất cho vay đã giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thanh khoản ngân hàng dồi dào, tỷ giá ổn định… đã góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các NHTM đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đồng hành cùng khách hàng, gỡ khó cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nợ xấu được các TCTD tập trung xử lý và kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao, nhờ đó, nợ xấu thấp hơn 3% trên tổng dư nợ nền kinh tế.
Ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh
Theo NHNN, các NHTM chiếm khoảng 92,6% tỷ trọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các NHTM, tăng trưởng tín dụng của các ngành, lĩnh vực đều cải thiện so với năm 2023. Trong đó, năm 2024 tín dụng ngành thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 68,7% tổng dư nợ nền kinh tế (tăng 15,8% so với cuối năm 2023); ngành công nghiệp – xây dựng là 24,7% (tăng 13,95%); nông – lâm – thủy sản chiếm 6,55% (tăng 7,36% so với cuối năm 2023)… Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 20-1-2025 về tổ chức thực các nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng năm 2025, với 11 mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên theo đề xuất của Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, chi nhánh NHNN các địa phương và các TCTD cũng đang tích cực thực hiện các chương trình kết nối, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, tháng 1-2025, tổng dư nợ cho vay ước đạt 175.300 tỉ đồng, tăng 0,49% so với cuối năm 2024; trong khi cùng kỳ năm 2024, tín dụng tăng trưởng âm. Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch, giải pháp xử lý nợ xấu của TCTD. Ðồng thời, các TCTD trên địa bàn triển khai các biện pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định và triển khai đồng bộ các giải pháp khác nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, các TCTD trên địa bàn đã quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Tháng 1-2025, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với tháng 12-2024. Cụ thể, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 50.000 tỉ đồng, chiếm 28,52% tổng dư nợ, tăng 0,72%; dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 17.500 tỉ đồng, tăng 1,72%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 37.900 tỉ đồng, tăng 1,12%; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 750 tỉ đồng, tăng 0,54%; dư nợ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 20 tỉ đồng, tăng 5,26% so với tháng 12-2024. Ngoài ra, các TCTD còn tập trung triển khai cho vay chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng và chương trình nông – lâm sản, thủy sản, cho vay thu mua lúa gạo…
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về tín dụng, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối, bảo đảm hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định và an toàn, đúng định hướng điều hành của NHNN. Tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung vốn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, các TCTD tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay ổn định. Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay đều tăng so với cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 3% trên tổng dư nợ cho vay. Thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, để góp phần tăng trưởng kinh tế.
GIA BẢO
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/02/Ngan-hang-dam-bao-cung-ung-von-cho-tang-truong.html